Xã hội

Vùng đất ở Hà Nội trồng loại gỗ quý đắt như vàng, người dân phải nuôi đàn chó, lắp camera để canh giữ 'kho báu'

Vĩ Hạ 06/07/2024 - 21:02

Để tránh bị mất trộm loại gỗ "kho báu" này, người dân đã cẩn thận rào kín bằng lưới B40, phía trong là chòi canh với camera quay tứ hướng.

Xã Cao Viên nằm ở rìa phía Tây của huyện Thanh Oai (TP. Hà Nội), bên bờ phải (bờ Đông) sông Đáy. Vùng đất này vốn là một khúc đổi dòng của sông Đáy từ rất xưa, ngày nay dấu vết còn để lại trên địa xã là một dãy hồ đầm hình móng ngựa nằm ở phía Tây xã, ăn lõm sang phía huyện Chương Mỹ.

Vốn là một mảnh đất thuộc vùng đồng bằng màu mỡ nhưng không chỉ được trồng lúa và các loại hoa màu, xã Cao Viên ngày nay lại được bao phủ bởi bạt ngàn gỗ sưa đỏ. Sưa được trồng trên đất ruộng, sưa mọc bờ rào, sưa chen lấn trong khu dân cư…

Vườn sưa đỏ ở cổng chùa Giai, xã Cao Viên mùa đâm bông. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị

Vườn sưa đỏ ở cổng chùa Giai, xã Cao Viên mùa đâm bông. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị

Chia sẻ trên Báo Kinh tế và Đô thị năm 2022, anh Đào Sỹ Hà (thôn Bãi 1, xã Cao Viên) cho biết: "Do đã canh tác lâu năm nên đất ở cánh đồng thôn Bãi 1 bắt đầu thoái hóa, cây ăn quả không đem lại hiệu quả kinh tế; cộng với cơn sốt gỗ sưa đỏ nổ ra, nên người dân bắt đầu đem sưa đỏ về trồng. Những gia đình có điều kiện thì mua cây to, ít tiền cũng ươm cây con từ hạt. Chả mấy chốc, cả một vùng đất trồng cây ăn quả ngày nào, giờ biến thành… rừng sưa đỏ!"

Có những gia đình còn rào kín bằng lưới B40, phía trong là chòi canh với camera quay tứ hướng, nuôi chó để bảo vệ vườn sưa khỏi kẻ gian. Thân cây còn được gia chủ quây kín bằng lưới thép.

Để bảo vệ cây sưa đỏ, người ta phải quây lưới sắt, dựng lều, gắn camera... Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị

Để bảo vệ cây sưa đỏ, người ta phải quây lưới sắt, dựng lều, gắn camera... Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị

Theo các bậc cao niên ở đây, sưa đỏ là giống dễ trồng, lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở vùng bãi ven sông Đáy. Từ xa xưa, sưa đỏ đã hiện diện ở khắp vùng này. Ở các đình chùa, vườn ám ven sông Đáy có những “cụ” sưa đỏ hàng trăm năm tuổi. Tuy nhiên, sưa đỏ là giống cây “đời cụ trồng – đời cháu mới được hưởng”, nên chả mấy ai để ý. Khi cơn sốt gỗ sưa đỏ bùng lên, người dân đua nhau trồng.

Giờ đây, khắp xã gần như chỗ nào có đất trống, người ta đều “chêm” sưa đỏ vào. Thời điểm vào mùa trổ bông, hoa sưa nở trắng cả một vùng…

Được biết, sưa có 2 loài chính là sưa trắng và sưa đỏ, bên cạnh đó còn có cây sưa vàng. Trong đó, sưa đỏ có thân sần sùi, quả kết thành từng chùm và đốt lên có mùi thối nên sưa đỏ còn được gọi là sưa trắc thối. Gỗ của sưa đỏ có giá trị hơn sưa trắng và được xếp vào danh sách các loài gỗ quý hiếm tại Việt Nam.

Hoa sưa mang sắc trắng tinh khôi. Ảnh: Sưu tầm

Hoa sưa mang sắc trắng tinh khôi. Ảnh: Sưu tầm

Từ xưa, giá trị của gỗ sưa luôn được đề cao bởi độ chắc bền theo thời gian, loại gỗ này dù có ngâm trong nước hoặc trong bùn nhiều năm vẫn giữ được mùi hương và không bị mục nát hoặc co nứt.

Gỗ sưa rất được ưa chuộng trên thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc... Tại Trung Quốc, cây gỗ sưa được gọi là gỗ hoàng hoa lê. Từ lâu người Trung Quốc đã xem gỗ sưa là một trong bốn loại gỗ quý nhất, gồm tử đàn, hoàng hoa lê, kê sí và thiết lực. Vào thời nhà Minh, gỗ hoàng hoa lê được sử dụng để làm ngai vàng, đồ dùng hàng ngày, bàn ghế cũng như giường tủ cho các vua chúa cũng như những gia đình thuộc giới quý tộc.

Cũng chính bởi giá trị cao nên gỗ sưa còn được ví như những "khối vàng lộ thiên".

>> Ngôi nhà trăm tuổi làm từ gỗ lim và vàng tâm quý hiếm của quan Tổng đốc Sơn Tây

Bộ bàn ghế làm từ loại gỗ quý hiếm có giá lên đến 700 tỷ đồng, 50 thợ mất gần 10 năm mới hoàn thiện

Ngôi nhà cổ được làm bằng loại gỗ quý hiếm như 'khối vàng lộ thiên' giá lên đến trăm tỷ đồng ở Việt Nam

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vung-dat-o-ha-noi-trong-loai-go-quy-dat-nhu-vang-nguoi-dan-phai-nuoi-dan-cho-lap-camera-de-canh-giu-kho-bau-d127023.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Vùng đất ở Hà Nội trồng loại gỗ quý đắt như vàng, người dân phải nuôi đàn chó, lắp camera để canh giữ 'kho báu'
POWERED BY ONECMS & INTECH