Ngôi nhà trăm tuổi làm từ gỗ lim và vàng tâm quý hiếm của quan Tổng đốc Sơn Tây
Sau hơn 130 năm phơi nắng mưa, thời gian dường như chỉ có thể làm ngôi nhà thêm cổ kính chứ không hề mất đi giá trị.
Tọa lạc giữa vùng đất học Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), ngôi nhà gỗ quý của quan Tổng đốc Sơn Tây Đào Trọng Kỳ vẫn còn nguyên dù đã có tuổi đời hàng trăm năm. Đây là một trong số rất ít công trình nhà cổ được bảo tồn ở Hải Phòng.
Được biết, ngôi nhà được ông Đào Trọng Kỳ xây dựng vào những năm 1890, làm hoàn toàn bằng gỗ lim và vàng tâm.
Ông Đào Trọng Giao, nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), chắt nội của Tổng đốc Đào Trọng Kỳ từng cho biết, mỗi một cây gỗ lim làm nhà đều có tuổi thọ cao, được ông Kỳ dành nhiều tâm huyết tìm kiếm từ Quảng Ninh, sau đó đóng bè chuyển về bằng đường sông.
Đặc biệt, bậc tam cấp chạy dài suốt mặt tiền của ngôi nhà được ghép từ chính những tảng đá xanh tự nhiên nguyên khối. Đó là những vật liệu quý mà những công trình nhà gỗ hiện đại ngày nay khó có thể mua được.
Tường nhà được xây bằng gạch đất nung bản mỏng, kích thước mỗi viên gạch dài tới 40cm, rộng ngang 30cm.
Với phần mái của ngôi nhà, thay vì chọn ngói hài, ông Đào Trọng Kỳ lại chọn ngói mũi để lợp. Đây là loại ngói phổ thông ở các vùng quê nhưng lại thể hiện được sự mộc mạc, giản dị của công trình.
Bên trong nhà là 4 hàng cột lim ngang, mỗi hàng 6 cột và 3 hàng cột lim dọc. Tất cả cột, kèo, vì trái, vì phải được liên kết với nhau bằng mộng.
Để tạo điểm nhấn cũng như sự mềm mại cho công trình, chủ nhân cho chạm khắc hoa văn cỏ cây, sóng nước tại các điểm ghép nối cột và xà ngang. Các đòn bẩy đỡ mái hiên và thềm cửa thông suốt 5 gian trước nhà đều có hoa văn tinh xảo.
Sau hơn 130 năm phơi nắng mưa, 5 gian cửa đại bằng gỗ vàng tâm đã ngả màu, hiện rõ sự "già nua".
Sau ngày giải phóng, ngôi nhà được trưng dụng thành nơi hội họp, đấu tố nhà giàu, con cháu Tổng đốc Sơn Tây rơi vào cảnh cơ hàn. Theo ông Giao, những hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa lưu giữ từ đời này qua đời khác trong ngôi nhà đã không còn.
Tổng đốc Đào Trọng Kỳ (1839-1914) từng làm quan ở Huế dưới thời vua Tự Đức. Nhờ sự tài năng và những cống hiến, vua phong cho ông nhiều phẩm tước cao quý như Hàn lâm tu soạn, Cao Thụ Vinh Lộc Đại phu Hiệp tá đại học sĩ, Tướng công. Năm 1890 ông được triều đình cử về làm Tổng đốc Nam Định, rồi Tổng đốc Sơn Tây, phụ trách nhiều tỉnh phía Bắc.
Suốt cuộc đời làm quan hành tẩu khắp nơi, giúp nước, giúp dân nhưng ông luôn đau đáu vì chưa thực hiện được tâm nguyện của mình là đào sông dẫn, chứa nước ngọt và tiêu thoát nước chống ngập úng.
Năm 1900, khi 61 tuổi, được nghỉ hưu, trở về quê, việc đầu tiên ông làm là tự khảo cứu địa hình, thiết kế công trình dẫn thủy nhập điền mang tên sông Chanh Dương dài hơn 23km, dẫn nước ngọt từ nhánh sông Hồng, giúp huyện Vĩnh Bảo thoát cảnh hạn hán, ngập lụt, đảm bảo cho việc sản xuất nông nghiệp và cung cấp nguồn nước sinh hoạt.
Công đức này được chính quyền và người dân địa phương lập văn bia ghi lại. Sau thời gian thất lạc trong dân, tấm bia được con cháu cụ tìm thấy, di chuyển về đặt trước cửa nhà.
>> Ngôi nhà làm bằng gỗ xưa quý giá lên đến 3.000 tỷ, gia chủ nghèo nhưng kiên quyết không bán
Ngôi nhà trăm tuổi ở Việt Nam được làm bằng nhiều loại gỗ quý, trong nhà chứa toàn cổ vật quý hiếm
Loại gỗ quý hiếm tuổi thọ 5.000 năm được rao bán hơn 10 tỷ đồng tại Việt Nam