Vượt tiến độ, cao tốc hơn 47.000 tỷ do liên danh Đèo Cả thi công phấn đấu thông xe trong năm nay
Tính đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng với chiều dài 93,14km/93,35km, đạt 99,8%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đến thăm, động viên cán bộ, công nhân trên công trường, trao quà Tết và kiểm tra, đôn đốc tiến độ dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Tháp tùng Thủ tướng trong chuyến thị sát có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương liên quan.
Tính đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng với chiều dài 93,14km/93,35km, đạt 99,8%. Các địa phương đang triển khai xây dựng 6 khu tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật tại 22 vị trí có đường điện cao thế.
Về thi công, các nhà thầu duy trì nhịp độ "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa", với 36 mũi thi công, 650 thiết bị và 1.500 nhân sự. Đến nay, hai hạng mục hầm xuyên núi đã được thông tuyến, tổng giá trị thực hiện đạt 1.360,01 tỷ đồng trên tổng 10.056,85 tỷ đồng, tương đương 13,52% giá trị hợp đồng, vượt tiến độ 0,54%.
Được biết, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km, chia thành hai giai đoạn đầu tư với tổng vốn hơn 47.000 tỷ đồng. Dự án khởi công ngày 1/1/2024, dự kiến hoàn thành vào năm 2026 nhưng đang phấn đấu thông xe trong năm 2025.
Giai đoạn 1 đầu tư hơn 93km, nối từ cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) đến Quốc lộ 3 (xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng). Giai đoạn 2 sẽ mở rộng tuyến hiện có và xây dựng thêm tuyến kết nối cửa khẩu Trà Lĩnh dài 27,71km.
Dự án do UBND tỉnh Cao Bằng làm chủ đầu tư, liên danh do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu triển khai thực hiện. Trong giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư là 14.114 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước chiếm 69,43% (9.800 tỷ đồng). Dự án dự kiến hoàn vốn trong 22 năm 4 tháng.
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Cao Bằng và Hà Nội từ 6-7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giao thương giữa các tỉnh biên giới phía Đông Bắc với Thủ đô và các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước.
Dự án được kỳ vọng trở thành cánh cửa giao thương chiến lược với Trung Quốc, kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc với các trung tâm kinh tế như Lạng Sơn, Hà Nội và Hải Phòng. Đồng thời, tuyến đường này sẽ kết nối liên vùng từ các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang đến các tỉnh Tây Bắc và các cảng biển lớn ở Quảng Ninh, Hải Phòng.
>> Hơn 2 tháng nữa, cây cầu lớn nhất đường Vành đai 3 TP. HCM sẽ hoàn thành