WIPO: Đổi mới sáng tạo sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế Việt Nam
Đại diện Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đánh giá cao việc Việt Nam đã dành ưu tiên cho đổi mới sáng tạo. Sự thăng hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu đã thể hiện cam kết của Việt Nam và đây chính là nền tảng để đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột trọng tâm trong phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm tới.
Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (GII 2023), Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022.
Đánh giá về chỉ số của Việt Nam, ông Marco Aleman, Trưởng Cơ quan Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và Sở hữu trí tuệ, Trợ lý, Đặc phái viên Tổng Giám đốc WIPO nhấn mạnh: "Sự cải thiện này của Việt Nam là đáng khích lệ và nên được coi là một cơ hội để tiếp tục thiết lập những định hướng ưu tiên và chiến lược cho những năm tới".
Theo ông Marco Aleman, dựa trên dữ liệu của GII, WIPO nhận thấy Việt Nam có nhiều điểm sáng về đổi mới sáng tạo trong thời gian qua. Việt Nam có nền kinh tế đổi mới sáng tạo thứ 2 trong nhóm thu nhập trung bình thấp. Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam). Việt Nam cũng nằm trong nhóm số ít các nền kinh tế có thu nhập trung bình trong top 65 GII có tốc độ tăng hạng nhanh nhất trong bảng xếp hạng GII của thập kỷ qua.
"Những nhận xét này còn quan trọng hơn là những số liệu. Đổi mới sáng tạo sẽ làm thay đổi bộ mặt nền kinh tế của Việt Nam", ông Marco Aleman nói.
Cũng theo ông Marco Aleman, Việt Nam nằm trong số ít các nền kinh tế trên thế giới đã xây dựng thành công Bộ chỉ số sáng tạo cấp địa phương của riêng mình với sự hỗ trợ của WIPO và đang dần trở thành một ví dụ tham khảo, truyền cảm hứng cho các quốc gia khác.
WIPO ủng hộ sự chủ động này và tin rằng Bộ chỉ số sẽ giúp Việt Nam đánh giá và đối chiếu các kết quả giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam với nhau. Việc này sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa chương trình nghị sự về đổi mới sáng tạo. Bước đi chủ động này cũng là minh chứng cho mức độ ưu tiên cao của Việt Nam đề ra trong việc hỗ trợ sự phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, TS. Sacha Wunsch-Vincent, đồng tác giả Báo cáo GII của WIPO chỉ ra các điểm mạnh của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam như: Xuất khẩu công nghệ cao, tổng giao dịch thương mại tăng 18,65% so với năm trước; trong phát triển năng lực công nghệ quốc gia, số ứng dụng di động được tạo ra tăng 15,58%; tín dụng nội địa cho khu vực tư nhân tăng 7,5 điểm phần trăm; chi R&D do doanh nghiệp trang trải tăng 6,03%; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động đang tăng trưởng…
TS. Sacha Wunsch-Vincent cũng đánh giá Việt Nam là một trong số những nền kinh tế có thu nhập trung bình có tiềm năng ngày càng quan trọng trong việc chuyển đổi bối cảnh đổi mới sáng tạo toàn cầu. Đồng thời khuyến nghị Việt Nam cần cập nhật thêm một số chỉ số; thành lập tổ công tác liên bộ về đổi mới sáng tạo; gắn chính sách sở hữu trí tuệ với các ưu tiên đổi mới sáng tạo…
GII là một bộ công cụ đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia có uy tín trên thế giới, phản ánh mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo của các quốc gia. Qua đó, các quốc gia thấy được bức tranh tổng thể cũng như các điểm mạnh, điểm yếu của mình.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng bộ chỉ số này như một trong các công cụ quản lý điều hành quan trọng và đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương cùng có trách nhiệm cải thiện chỉ số. Trong đó, Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung. Từ năm 2017 đến nay, chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên 42 (năm 2019 và 2020), 44 năm 2021, 48 năm 2022 và 46 năm 2023.
Samsung cắt giảm nhân sự toàn cầu: 'Cơn bão' có tràn tới Việt Nam?
Tinh gọn bộ máy - tiền đề tốt để kinh tế Việt Nam tăng trưởng