Xăng dầu Hải Linh: Lộ diện loạt giao dịch thế chấp của ‘đại gia’ Lê Văn Tám tại VietinBank, Vietcombank

17-01-2024 21:20|Hồ Nga

Ông Lê Văn Tám và vợ là bà Nguyễn Thị Hải đang có rất nhiều giao dịch đảm bảo tại ngân hàng. Phần lớn tài sản đảm bảo là cổ phần các doanh nghiệp.

Thanh tra Nhà nước vừa ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, trong đó chỉ rõ những sai phạm của các bên liên quan.

Công ty TNHH Hải Linh là một trong những thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Thanh tra Chính phủ kết luận tổng số tiền các thương nhân đầu mối sử dụng sai là trên 7.927 tỷ đồng, trong đó riêng Hải Linh ghi nhận số tiền 2.551 tỷ đồng, chủ yếu phát sinh trong năm 2020 (2.184 tỷ đồng) và năm 2021 (366 tỷ đồng).

Vợ chồng chủ nhân lâu đài Hải Linh đang có loạt giao dịch thế chấp tại ngân hàng

Công ty TNHH Hải Linh được thành lập tháng 7/2002, do ông Lê Văn Tám làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc. Vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, trong đó ông Lê Văn Tám góp 68,67% và bà Nguyễn Thị Hải góp 31,33% (bà Nguyễn Thị Hải được cho là vợ ông Lê Văn Tám, có cùng địa chỉ thường trú).

Sau nhiều lần tăng vốn, mới đây nhất vào tháng 4/2023, Hải Linh tăng vốn điều lệ lên 4.550 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông vẫn do ông Tám và bà Hải góp đủ 100%, nhưng tỷ lệ thay đổi khi ông Tám nắm hơn 85,88% và bà Hải rút xuống còn 14,12%.

"Đại gia" xăng dầu Lê Văn Tám nổi danh ở Phú Thọ, trong đó câu chuyện thường được nhắc tới nhất là tòa lâu đài Hải Linh tọa lạc ngay mặt đường Nguyễn Tất Thành, giáp Công viên Văn Lang. Lâu đài Hải Linh sừng sững, tạo điểm nhấn cho TP. Việt Trì.

>> Cận cảnh lâu đài nghìn tỷ lớn nhất Việt Nam của đại gia xăng dầu Phú Thọ trên đất vàng rộng hàng nghìn m2

Tòa lâu đài này được thiết kế bởi Công ty Kiến trúc và Xây dựng Trịnh Gia, với diện tích xây dựng hơn 13.000m2 sàn xây trên khu đất 3.500m2. Được khởi công vào đầu năm 2019, lâu đài này sẽ trở thành trụ sở, văn phòng kinh doanh của Công ty Hải Linh.

‘Đại gia’ xăng dầu Hải Linh: Lộ diện loạt giao dịch thế chấp của ông bà chủ tại Vietcombank, Vietinbank
Tòa lâu đài Hải Linh - Ảnh: Ngô Hùng

Sở hữu khối tài sản "khủng", vợ chồng chủ nhân của lâu đài Hải Linh cũng đang có rất nhiều khoản giao dịch đảm bảo tại các ngân hàng. Đáng chú ý, các giao dịch đảm bảo này đều có tài sản thế chấp là cổ phần của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Hải Linh.

- Tháng 3/2022 ông Lê Văn Tám có giao dịch đảm bảo tại Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank - mã chứng khoán CTG) chi nhánh Phú Thọ. Tài sản đảm bảo là 30,5% cổ phần của ông Lê Văn Tám tại Công ty Cổ phần Dầu khí Hải Linh Vũng Tàu.

- Ngày 8/5/2023 ông Lê Văn Tám có giao dịch đảm bảo tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - mã chứng khoán VCB) chi nhánh Phú Thọ. Tài sản đảm bảo là 65% phần vốn góp của ông Lê Văn Tám trong Công ty TNHH Cảng LNG Cái Mép. Giá trị vốn góp khoản này được xác định hơn 1.786 tỷ đồng.

Hợp đồng này sau đó được cập nhật, có thêm bà Nguyễn Thị Hải cùng đứng tên. Đồng thời cập nhật thông tin 65% vốn góp tương đương 55,8% vốn điều lệ của Công ty TNHH Cảng LNG Cái Mép tại mọi thời điểm.

- Cùng ngày 8/5/2023, ông Lê Văn Tám và bà Hải tiếp tục có giao dịch đảm bảo tại Vietcombank chi nhánh Phú Thọ. Tài sản đảm bảo là 65% phần vốn góp của ông Lê Văn Tám trong Công ty TNHH Hải Linh. Giá trị phần vốn góp này được xác định tại thời điểm góp vốn là hơn 753 tỷ đồng.

Sau đó khoản giao dịch đảm bảo này được cập nhật thông tin ghi nhận "65% phần vốn góp của ông Lê Văn Tám tại Hải Linh tương đương 55,8% vốn điều lệ của Hải Linh tại mọi thời điểm".

- Ngày 19/5/2023 ông Lê Văn Tám và bà Nguyễn Thị Hải cùng đứng tên bên giao dịch đảm bảo tại Vietcombank chi nhánh Phú Thọ. Tài sản đảm bảo là 67% vốn góp của ông Lê Văn Tám tương đương 56% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Kho cảng LNG Cái Mép. Tổng giá trị góp vốn tại thời điểm góp vốn là hơn 2.129 tỷ đồng.

Cập nhật sau đó cho biết, 65% phần vốn góp của ông Lê Văn Tám tại Công ty cổ phần kho cảng Cái Mép tương đương tối thiểu 54,36% vốn điều lệ của Công ty tại mọi thời điểm, có tổng giá trị vốn góp tại thời điểm góp vốn là: 2.065 tỷ đồng.

- Không chỉ vậy, 35% phần vốn góp còn lại của ông Lê Văn Tám tại Công ty TNHH LNG Cái Mép cũng đã được làm tài sản đảm bảo trong giao dịch thế chấp tại VietinBank chi nhánh Bắc Phú Thọ vào tháng 6/2023. Tính chung, tổng 100% phần vốn góp của ông Lê Văn Tám tại Công ty TNHH LNG Cái Mép đã lần lượt được làm tài sản đảm bảo tại cả Vietcombank và VietinBank.

>> Đại gia xăng dầu Chu Thị Thành bị tạm hoãn xuất cảnh: Thế chấp bất động sản, trái phiếu tại Vietcombank

Có 4 doanh nghiệp được nhắc tới trong giao dịch đảm bảo của ông chủ Lê Văn Tám, trong đó ngoài Hải Linh, còn có 3 doanh nghiệp khác là CTCP Kho cảng LNG Cái Mép, CTCP Dầu khí Hải Linh Vũng Tàu và Công ty TNHH Cảng LNG Cái Mép.

‘Đại gia’ xăng dầu Hải Linh: Lộ diện loạt giao dịch thế chấp của ông bà chủ tại Vietcombank, Vietinbank
Ông Lê Văn Tám, ông chủ của Hải Linh

CTCP Kho cảng LNG Cái Mép thành lập tháng 7/2023 do ông Lê Văn Tám là Tổng Giám đốc, vốn điều lệ 3.800 tỷ đồng. Công ty có 3 cổ đông góp vốn, trong đó ông Lê Văn Tám góp hơn 3.177,7 tỷ đồng (tỷ lệ 83,62%); bà Nguyễn Thị Hải góp hơn 522 tỷ đồng (tỷ lệ 13,74%); còn lại là bà Nguyễn Thị Bích Ngọc góp 100 tỷ đồng (tỷ lệ 2,63%). Công ty có cùng địa chỉ với Công ty Hải Linh. Trên thực tế, Công ty là "sản phẩm" phát sinh sau khi sáp nhập doanh nghiệp Công ty TNHH Cảng LNG Cái Mép.

Công ty TNHH Cảng LNG Cái Mép thành lập tháng 3/2023 cũng do ông Lê Văn Tám làm Tổng Giám đốc - là doanh nghiệp thành lập từ việc tách ra từ đơn vị khác - CTCP Cảng LNG Cái Mép. Công ty ghi nhận vốn điều lệ 3.201 tỷ đồng, trong đó bà Bích Ngọc góp 1 tỷ đồng, còn lại 3.200 tỷ đồng do ông Lê Văn Tám (85,86%) và bà Nguyễn Thị Hải (14,11%) góp. Tất cả cổ phần của ông Tám và bà Hải đều ủy quyền cho ông Tám quản lý.

Ông Lê Văn Tám là người đại diện cho loạt doanh nghiệp trong hệ sinh thái Hải Linh như Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước; Công ty TNHH Hải Linh; Công ty TNHH MTV Dầu khí Hải Linh Hải Phòng; CTCP Dầu khí Hải Linh Vũng Tàu; Công ty TNHH MTV Dầu khí Hải LinH Cái Mép; Công ty TNHH Cảng LNG Cái Mép; CTCP Kho cảng LNG Cái Mép; Công ty TNHH Hải Linh LNG; CTCP kinh doanh LNG Vietfirst; CTCP Khí Vietfirst.

Hải Linh đã nộp quỹ bình ổn giá?

Ngay sau thông tin về kết luận Thanh tra Chính phủ liên quan quỹ bình ổn giá (BOG) được công bố, Hải Linh, ngày 12/1/2024 có đăng thông cáo báo chí. Nội dung thông cáo báo chí liên quan đến nội dung bài đăng trên báo Dân Trí về việc công ty sử dụng sai mục đích quỹ BOG, số tiền 2.551 tỷ đồng nói trên.

>> Thanh tra Chính phủ: Công ty Hải Linh sử dụng sai Quỹ bình ổn xăng dầu

Lên tiếng sau vụ việc, Hải Linh cho rằng công ty đã trích lập và được trích xả theo kỳ điều hành giá của Bộ Công Thương từ năm 2017 đến tháng 9/2022. Tại thời điểm tháng 9/2022 khi đoàn Thanh tra Chính phủ làm việc tại doanh nghiệp, công ty đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ theo quy định và không còn nợ quỹ BOG.

Tuy vậy, theo thông tin đăng tải, Hải Linh sử dụng sai mục đích quỹ BOG và bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi 2.551 tỷ đồng sai phạm.

>> Đại gia xăng dầu Chu Thị Thành và con trai đã vay Thiên Minh Đức hơn 7.400 tỷ đồng

Cận cảnh tòa lâu đài của 'ông hoàng xăng dầu' Phú Thọ mới bị thanh tra

Thanh tra Chính phủ: Công ty Hải Linh sử dụng sai Quỹ bình ổn xăng dầu

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dai-gia-xang-dau-hai-linh-lo-dien-loat-giao-dich-the-chap-cua-ong-ba-chu-tai-vietcombank-vietinbank-220240.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Xăng dầu Hải Linh: Lộ diện loạt giao dịch thế chấp của ‘đại gia’ Lê Văn Tám tại VietinBank, Vietcombank
    POWERED BY ONECMS & INTECH