Giá cả

“Xảo trá” thị trường thực phẩm chức năng - Bài 5: “Trăm dâu đổ đầu”…người dại

Nguyễn Giang 25/07/2023 - 07:58

Không ít người phải “ngậm đắng, nuốt cay” khi biết mình sử dụng các loại thực phẩm chức năng giả, nhái, kém chất lượng, tác dụng chưa thấy đâu, chỉ biết “tiền mất, tật mang” cũng chẳng biết kêu ai…

hihihhi

“Vàng thau lẫn lộn”

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trong những bài viết trước, thời gian qua, thị trường thực phẩm chức năng được đánh giá như một “ma trận” khiến người tiêu dùng hoang mang, khó có thể phân biệt được thật – giả bởi “vàng thau lẫn lộn”, những lời quảng cáo, giới thiệu, rao bán với đủ các công dụng thần kỳ như “thần dược”, “biệt dược” như “bủa vây” người tiêu dùng.

Đáng chú ý, để tiêu thụ được hàng hóa, các đối tượng “bất lương” không từ bất cứ một thủ đoạn nào khi ngang nhiên mạo danh lương y, bác sĩ, người nổi tiếng… nhằm câu kéo, lừa lọc để “móc cạn túi” người bệnh.

Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, chỉ sau 10 năm các sản phẩm thực phẩm chức năng đã tăng lên gấp 3 lần, đây là mảnh đất màu mỡ, hấp dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh giả.

Còn theo thống kê của Bộ Y tế, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam có hơn 20.000 loại sản phẩm phục vụ nhu cầu cho mọi lứa tuổi, từ vitamin đến các sản phẩm hỗ trợ trị bệnh đến làm đẹp... trong đó 60% là sản xuất trong nước. Vi phạm về chất lượng thường gặp là hàm lượng không đúng như công bố, không đạt về điều kiện độ ẩm, nhiễm vi sinh. Có sản phẩm không có hoạt chất chính hoặc hoạt chất không được phép sử dụng sản xuất thực phẩm chức năng.

hihiihhihi

“Suýt” tử vong vì “tùy tiện” dùng thực phẩm chức năng

Cuối năm 2022, Bệnh viện Da liễu TP HCM đã cứu sống một trường hợp hoại tử thượng bì nhiễm độc (Hội chứng Lyell) nặng, tiên lượng tỉ lệ tử vong lên tới 50%. Bệnh nhân là chị Vũ Thị H (25 tuổi, ngụ Lâm Đồng), đến khám trong tình trạng cơ thể mệt, trên da xuất hiện các ban đỏ, bóng nước và vết trợt chiếm hơn 60% diện tích cơ thể, kèm theo tổn thương niêm mạc mắt, miệng, mũi…

Bệnh nhân cho biết mình bị bệnh vảy nến, được người quen giới thiệu một số loại thực phẩm chức năng để điều trị, tăng cường sức đề kháng, làm đẹp da, thải độc tố… Chị đã mua bộ 7 sản phẩm thực phẩm chức năng với giá gần 5 triệu đồng. Sau khi sử dụng được khoảng 5 – 7 ngày thì xuất hiện các nốt ban nhỏ, lấm tấm… nhưng người bán nói là sản phẩm đang phát huy tác dụng thải độc tố nên chị tiếp tục dùng.

Tuy nhiên, đến ngày thứ 18, trong miệng chị xuất hiện nhiều mụn nước, cơ thể mệt mỏi, sốt li bì, xuất hiện nhiều vết trợt ngoài da… Tưởng sốt siêu vi nên chị mua thuốc hạ sốt về uống. Sau đó, bệnh tình chẳng khỏi mà các vết trợt da to hơn, nổi thành từng bọc nước, cơ thể đau nhức, cảm giác đau từng lỗ chân lông, từng sợi tóc... Chịu không nổi, chị được đưa cấp cứu tại một bệnh viện trước khi được chuyển đến Bệnh viện Da liễu TP HCM.

Lãnh đạo Bệnh viện cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán hoại tử thượng bì nhiễm độc do sử dụng thực phẩm chức năng. Hoại tử thượng bì nhiễm độc là một phản ứng dị ứng thuốc nặng. Nguyên nhân là do sự đáp ứng miễn dịch bất thường của cơ thể với một vài loại thuốc hoặc chất chuyển hóa trong thuốc. Do thời gian sử dụng thực phẩm chức năng khá lâu (18-21 ngày), nhập viện trễ, các vết trợt da chiếm hơn 60% cơ thể nên chị H. có nguy cơ tử vong cao, lên tới 50%.

Bệnh nhân sau đó được các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc tích cực, điều trị corticoid liều cao, kháng sinh mạnh, bù điện giải, bù dinh dưỡng… Sau hơn 5 tuần điều trị tích cực, thương tổn da lành tốt, tình trạng chị H. mới ổn định.

Cũng liên quan đến hậu quả của việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, TS-BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP HCM kiêm Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đột quỵ SIS Cần Thơ cho biết, cũng trong khoảng thời gian này, ông có điều trị cho một phụ nữ (50 tuổi) bị tắc mạch máu não do uống quá nhiều các loại thực phẩm chức năng.

"Trước đó, bệnh nhân này đã đến khám sức khỏe, qua các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có thần kinh ổn định, không có những tổn thương mạch máu não (không dị dạng, dị tật, không tắc hẹp mạch máu, không phình…). Tuy nhiên, sau khi bệnh nhân này quay lại kiểm tra sức khỏe vì bị đau cổ gáy, nhức đầu, chóng mặt… Sau khi thăm khám, kiểm tra thì ghi nhận bệnh nhân bị hẹp mạch máu não nặng. Bệnh sử bệnh nhân cũng không có các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, tiểu đường, không uống rượu bia, hút thuốc…

Nhưng đáng chú ý, trong khoảng thời gian này, bệnh nhân tự ý uống rất nhiều các loại thực phẩm chức năng giúp làm đẹp da, tóc, khỏe cơ xương khớp, hỗ trợ giảm cân. Khi chưa dùng thực phẩm chức năng thì mạch máu não bình thường, sau khi dùng thì phát sinh tình trạng tắc mạch máu não", TS - BS Trần Chí Cường thông tin.

Theo TS-BS Trần Chí Cường, may mắn bệnh nhân chỉ bị hẹp mạch máu phụ nên sau khi dùng thuốc, sức khỏe đã ổn định. Sau khi thoát biến chứng tắc mạch máu não, bệnh nhân biết sợ và ngưng sử dụng tất cả những thực phẩm chức năng đã dùng trước đó.

Công ty cổ phần Công nghệ cao EUPHA đang tiến hành sản xuất các thực phẩm chức năng giả.

Cần tư vấn của bác sĩ, dược sĩ

Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, trước tình hình thị trường thực phẩm chức năng nhiều biến tướng như hiện nay, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác hậu kiểm, tăng cường sự hướng dẫn sử dụng của các cơ quan chuyên môn. Các cơ sở kinh doanh, thực phẩm chức năng vì sự phát triển bền vững của chính mình, cần đảm bảo các quyền của người tiêu dùng theo quy định, hỗ trợ, hướng dẫn người tiêu dùng.

Theo ông Hùng, thực tế hiện nay nhiều người dân khi thấy quảng cáo thực phẩm chức năng chữa "bách bệnh" nhưng không được tư vấn, hướng dẫn mà đã sử dụng dẫn đến "tiền mất tật mang". Nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về thực phẩm chức năng, thiếu tư vấn, hướng dẫn.

“Do vậy người dân chỉ nên mua những loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, để tránh mua phải hàng giả cần có sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn khi sử dụng. Thông tin cho cơ quan nhà nước có liên quan khi phát hiện thực phẩm chức năng không đảm bảo an toàn, có khả năng gây nguy hiểm tính mạng", ông Hùng nhấn mạnh.

Còn nữa…

Vướng mắc trong quản lý thực phẩm chức năng

ĐBQH: Những người mặc áo blouse trắng, xưng danh bác sĩ bệnh viện, quảng cáo thực phẩm chức năng đúng hay sai?

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/xao-tra-thi-truong-thuc-pham-chuc-nang-bai-5-tram-dau-do-dau-nguoi-benh-248000.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    “Xảo trá” thị trường thực phẩm chức năng - Bài 5: “Trăm dâu đổ đầu”…người dại
    POWERED BY ONECMS & INTECH