Xây dựng Hòa Bình (HBC) chuẩn bị gì cho tham vọng doanh thu 2 tỷ đô?
Xây dựng Hòa Bình (HBC) xác định năm 2023 sẽ tiếp tục thua lỗ, kỳ vọng vào các năm tới.
Chiều ngày 17/10, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình - HoSE: HBC) đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2 để thông qua báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Xác định năm 2023 tiếp tục lỗ, mục tiêu doanh thu tỷ đô 5 năm tới
Vào tháng 6/2023, công ty công bố Nghị quyết HĐQT thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Matec cho đối tác, dự định thu về khoảng 1.100 tỷ đồng.
Trong cuộc họp ông Lê Viết Hiếu- Phó chủ tịch HĐQT Hòa Bình đã thông tin về thương vụ này, việc chuyển nhượng cổ phần tại công ty con Matec chưa hoàn thành do đối tác gặp khó khăn khi xoay sở tài chính. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến Hòa Bình có thể sẽ tiếp thục thua lỗ trong năm 2023.
Do đó, báo cáo tài chính của Hòa Bình vẫn chưa ghi nhận khoản thu nhập bất thường từ thanh lý tài sản/công ty con. Nửa đầu năm 2023, Hòa Bình lỗ hơn 700 tỷ đồng. Để có lãi năm 2023, Hòa Bình buộc phải có lãi hơn 700 tỷ đồng trong nửa cuối năm.
Công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu 2 tỷ USD vào năm 2028, trong đó thị trường nước ngoài chiếm 50%, thị trường dân dụng và công nghiệp trong nước chiếm 50% còn lại. Đối với thị trường trong nước, xây dựng công nghiệp và hạ tầng đóng góp 500 triệu USD, xây dựng dân dụng đóng góp 500 triệu USD.
Riêng trong năm 2024, Xây dựng Hòa Bình đặt kế hoạch doanh thu 10.800 tỷ đồng, bao gồm 5.500 tỷ đồng doanh thu từ hợp đồng đã ký và đang thi công dang dở; 3.500 tỷ đồng doanh thu hợp đồng mới mới (tương ứng giá trị trúng thầu mới đạt 10.000 tỷ đồng), 1.200 tỷ đồng doanh thu thị trường xây dựng nước ngoài, 600 tỷ đồng doanh thu từ công ty con.
Thông báo trúng thầu loạt dự án
Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Lê Văn Nam, hiện nay Xây dựng Hòa Bình đang thi công 22 dự án và hầu hết khách hàng của tập đoàn đều là khách hàng truyền thống, cùng làm việc và trải qua nhiều giai đoạn khó khăn.
Trong năm 2023, Hòa Bình trúng thầu 5 dự án: 10 tòa chung cư nhà ở xã hội ở Hải Phòng của chủ đầu tư Thái - Holding với giá trị 3.000 tỷ đồng; dự án The 9 Stellars (quận 9 cũ, TP HCM) của chủ đầu tư Sơn Kim Land; Chung cư Thăng Long Home Hiệp Phước (Đồng Nai) của chủ đầu tư Thăng Long Real Group.
Dự án Nam An Azure của chủ đầu tư An Nam đã chốt xong và còn chờ một số thủ tục cuối cùng. Riêng dự án còn lại tập đoàn chưa thể công bố do đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục. Hiện Xây dựng Hòa Bình đang tham gia đấu thầu một dự án quy mô lớn của Gamuda Land.
Theo kế hoạch ban điều hành công bố, giá trị trúng thầu năm 2024 khoảng 9.000 - 10.000 tỷ đồng. Với khối lượng thực hiện 40 - 45%, tương đương tập đoàn có doanh thu 4.000 - 5.000 tỷ đồng từ các dự án mới, cùng với backlog mang sang khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng thì tổng doanh thu năm sau có thể đạt 9.000 tỷ đồng.
Dự định xuất ngoại, điểm đến đầu tiên là Châu Phi
Chia sẻ thêm về kế hoạch kinh doanh trong những năm tới, ban lãnh đạo Tập đoàn Hoà Bình cho biết sẽ ưu tiên phát triển thị trường nước ngoài với mục tiêu doanh thu sau 5 năm lên đến 1 tỷ USD, bằng với mục tiêu doanh thu trong nước. "Châu Phi rất tiềm năng, chúng tôi quyết tâm thực hiện nó, có thể làm một HBC Châu Phi, giống như Viettel Viettel làm được, Hòa Bình cũng làm được" – Ông Lê Văn Nam - TGĐ chia sẻ.
Mặt khác, ông Nam cho rằng thị trường Úc và Mỹ là thị trường đòi hỏi kỹ thuật và đòi hỏi pháp lý cao, nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đưa công nhân sang. Tuy nhiên, đây lại là thị trường đem lại lợi nhuận rất cao do chênh lệch về giá 5-8 lần. "Nếu vượt ra được những rào cản trên chúng ta sẽ đem đến lợi nhuận cao", ông nhấn mạnh.
Cất nóc trung tâm thương mại Aeon Mall 1.000 tỷ đồng, đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long
Hòa Bình (HBC) xuất hiện điểm sáng sau hai năm vật lộn vì công nợ