Xây nhà gần đình, đền, chùa nặng âm khí, làm thế nào để hóa giải bằng phong thủy?
Việc sống ở gần các công trình tâm linh sẽ có ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe. Nhưng khi dân số ngày càng đông, quỹ đất hạn hẹp nhiều hộ gia đình phải chấp nhận và khắc phục bằng cách hóa giải phong thủy.
Nhà gần đình, đền, chùa, miếu mạo có tốt không?
Từ bao đời nay, phong thủy nhà ở vốn được nhiều người chú trọng. Trong đó, vấn đề xây dựng nhà ở gần khu tâm linh như đình, đền, chùa, miếu càng được nhiều người quan tâm hơn.
Các công trình này đều thuộc những nơi công cộng và thường tập trung đông đúc nhiều tín đồ, khói hương nghi ngút cùng với đó là tiếng mõ, chuông, lời cầu nguyện. Đây cũng là nơi gửi gắm những ưu tư phiền não của con người và là nơi những vong hồn không nơi nương tựa tìm về để nương nhờ, âm khí, sát khí.
Nhiều quan niệm cho rằng, những nơi tâm linh là chốn nương tựa của các vong linh nên sẽ nhiều âm khí. Những người sinh sống trong những ngôi nhà quanh đó, đặc biệt là người yếu bóng vía, rất dễ bị mất ngủ, bóng đè, hoặc có những trạng thái tâm lý không tốt, nhất là những ngày mồng 1, ngày rằm, hoặc những ngày lễ lớn. Về lâu dài, sẽ có những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Xét về phong thủy, người Việt rất kiêng kị nhà ở gần khu tâm linh. Bởi lẽ công trình nhà ở có thể bị hướng xấu từ góc nhọn của đỉnh mái chùa, đình, đền… Các góc nhọn tạo nên sát khí, như mũi tên hoặc thanh đao chĩa thẳng vào nhà, khiến gia chủ dính phải kiện tụng, cãi vã.
Những điều cần kiêng kỵ khi nhà ở gần đình, chùa
Ông Vũ Đức Phương, chuyên gia nghiên cứu về năng lượng cho biết, nếu sống ở gần các khu đình, đền, chùa, miếu mạo thì không nên lớn tiếng cãi vã, văng tục vì sẽ ảnh hưởng đến không gian thực hành tín ngưỡng tâm linh.
Đặc biệt, các hộ sống trong khu vực này không được lấn chiếm đất hay chiếm dụng đồ vật của đình, đền, chùa, miếu mạo. Bởi lẽ, theo kinh dịch hành động đó gọi là “đạo dụng thập phương thường trụ”. Tức là trộm đồ dùng, đồ lễ của chúng sinh cúng đường, vật dụng của nhà chùa, đình... sẽ bị giam vào 9 tầng địa ngục, chịu hình phạt khổ sai, đọa đày.
Điều kiêng kỵ tiếp theo là không vứt rác bừa bãi, làm bẩn không gian trang nghiêm. Bởi lẽ chốn tâm linh là nơi thanh tịnh. Hành động xả rác bên ngoài sẽ làm xấu cảnh quan không gian nơi ở của thần phật. Do đó, một khi bị thần phật bề trên quở trách sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tài vận của gia đình.
Cách hóa giải đối với nhà ở gần khu tâm linh
Theo nhiều chuyên gia phong thủy, chuyên gia năng lượng và kinh nghiệm dân gian, việc xây dựng nhà ở gần khu tâm linh vẫn có thể hóa giải để ngăn chặn năng lượng xấu và đón nguồn năng lượng tốt.
Trong trường hợp thấy không khí ở đó u ám, lạnh lẽo thì gia chủ nên tìm cách tăng nguồn năng lượng dương trong nhà mình bằng cách giữ nhà sạch sẽ, thoáng đãng, nhiều ánh sáng. Ngoài ra, có thể sử dụng đá thạch anh rải dưới nền nhà, để tăng thêm sinh khí cho nơi ở.
Đối với trường hợp góc nhọn của chùa, đình, đền, miếu,… có chĩa vào cửa nhà có thể dùng gương bát quái treo trước cửa để hóa giải. Đồng thời, có thể sử dụng cách trang trí trước nhà thiên về ngũ hành thổ, như dùng vật liệu bằng đá, màu vàng, nâu, hình khối vuông vức… để ngũ hành hỏa của sát khí sinh xuất ra ngũ hành thổ. Những biện pháp này sẽ giúp ngũ hành hỏa yếu đi, cái xấu ẩn bớt.
Trường hợp sinh hoạt bị ảnh hưởng xấu, gia chủ có thể xây tường cao ngăn cách cả về tầm nhìn và âm thanh, hoặc trồng cây, tạo bức rèm ngăn cách với phương hướng tiếp giáp công trình tâm linh.
Dùng vật phẩm phong thủy để hóa giải tà khí cũng là biện pháp được nhiều người ưa chuộng. Ví như treo gương bát quái tại cửa chính để giữ vượng khí, xua đuổi âm khí trong nhà; treo chuông gió trước mái nhà để tiếng chuông làm tan âm khí tích tụ và xua đuổi ma quỷ tránh xa ngôi nhà; sử dụng gương tráng thủy để ở không gian của phòng khách (hướng ra ngoài đường) để "xua đuổi" âm khí.
>> Liên danh Đèo Cả (HHV) thông qua đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh 14.000 tỷ