Theo Chứng khoán Rồng Việt - VDSC, VN-Index đã đảo chiều giảm sau nhiều phiên nỗ lực tăng bất thành. Thanh khoản giảm nhẹ so với phiên trước nhưng vẫn ở mức trên trung bình 50 phiên cho thấy có tranh chấp đáng kể giữa dòng tiền và áp lực bán. Chỉ số đóng cửa sát mức 1.340 điểm và cách xa mức thấp nhất 1.324,85 điểm nên nhìn chung dòng tiền vẫn đang nỗ lực hấp thu áp lực bán. Dự kiến, VN-Index sẽ có động thái hồi phục và kiểm tra lại áp lực bán tại vùng Gap 1.340 - 1.350 điểm trong phiên giao dịch tiếp theo.
Tổng quan phiên 21/9:
Chứng khoán Mỹ khởi đầu tuần mới chìm trong sắc đỏ vào ngày thứ Hai (20/9), Dow Jones sụt 600 điểm, S&P 500 mất 1,7% trước tình trạng nhà đầu tư tiếp tục thận trọng trong tháng 9 khi có nhiều rủi ro xuất hiện trên thị trường. VN-Index theo đó cũng giao dịch ảm đạm ngay từ đầu phiên ngày 21/9/2021 khi giảm hơn 13 điểm. Sắc đỏ tiếp tục bao trùm các nhóm ngành trong suốt phiên sáng. Có lúc chỉ số giảm hơn 25 điểm.
Bước sang phiên chiều, lực cầu bắt đáy ở vùng giá thấp xuất hiện, đà giảm trên thị trường được thu hẹp đáng kể. Kết phiên, VN-Index giảm 10,64 điểm xuống còn 1.339,84 điểm.
Cùng xu hướng với thị trường chung, chỉ số VN30 giảm 0,85%, xuống còn 1.446,22 điểm. Trong rổ, sắc đỏ chiếm ưu thế hoàn toàn với 25 mã giảm, 4 mã tăng và 1 mã đứng giá. VRE và VHM là hai cổ phiếu dẫn đầu đà giảm với mức giảm lần lượt 3,1% và 3%. Theo sau là các mã GVR, VCB và SSI. Ngươc lại, BVH nằm trong số ít cổ phiếu tăng giá trong rổ với mức tăng 3,3%.
Với VN-Index, VCB cùng bộ đôi VIC và VHM là ba mã cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất. Ba mã này lấy đi gần 5 điểm của chỉ số. Ở chiều ngược lại, DGC, VIB và BVH là những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất.
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu sản xuất hàng gia dụng là một trong những ngành giảm mạnh nhất thị trường trong đó STK, TNG, KMR cùng giảm mạnh hơn 3%, TCM, MSH sụt giảm hơn 1%, GIL, TTF cùng giảm nhẹ xuống dưới tham chiếu.
Nhóm bảo hiểm có phiên giao dịch rất sôi động. Nổi bật trong nhóm là cổ phiếu MIG khi leo dốc tăng hết biên độ; các mã khác như PVI, BMI, BIC cùng tiến tốt hơn 4 %, BVH tăng mạnh 3,34%.
Khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì trên mức trung bình chứng tỏ dòng tiền vẫn đang khá ổn định. Tuy nhiên, đường SMA 50 ngày đã cắt xuống dưới đường SMA 100 ngày tạo thành điểm giao cắt từ thần (death cross) nên triển vọng khá bi quan.
Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 10,64 điểm (-0,79%) xuống 1.339,84 điểm; toàn sàn có 136 mã tăng, 275 mã giảm và 36 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,11 điểm (0,03%) lên 358,98 điểm; toàn sàn có 129 mã tăng, 115 mã giảm và 45 mã đứng giá. UpCOM-Index giảm 0,68 điểm (-0,7%) xuống 96,77 điểm.
Giao dịch trong phiên chiều diễn ra không quá sôi động khiến thanh khoản cả phiên giảm so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 27.628 tỷ đồng - giảm 5,5% trong đó giá trị khớp lệnh sàn HOSE giảm 4,3% xuống 21.950 tỷ đồng.
Giao dịch khối ngoại là điểm trừ khi họ bán ròng 333 tỷ đồng trên toàn thị trường lực bán tập trung vào FUEVFVND, HPG, VIC, STB, E1VFVN30... Ngược lại, HHV, VHM, VNM, HSG tiếp tục được nhà đầu tư ngoại mua ròng.
Nhận định phiên 22/9:
CTCK Rồng Việt - VDSC: Kiểm tra lại áp lực bán tại vùng 1.340 - 1.350 điểm
VN-Index đã đảo chiều giảm sau nhiều phiên nỗ lực tăng bất thành. Thanh khoản giảm nhẹ so với phiên trước nhưng vẫn ở mức trên trung bình 50 phiên, cho thấp có tranh chấp đáng kể giữa dòng tiền và áp lực bán. Chỉ số đóng cửa sát mức 1.340 điểm và cách xa mức thấp nhất 1.324,85 điểm nên nhìn chung dòng tiền vẫn đang nỗ lực hấp thu áp lực bán.
Dự kiến, VN-Index sẽ có động thái hồi phục và kiểm tra lại áp lực bán tại vùng Gap 1.340 - 1.350 điểm trong phiên giao dịch tiếp theo. Hiện tại tín hiệu tốt xấu đan xen và chưa đủ cơ sở để phán đoán sự chuyển biến của thị trường nên nhà đầu tư tạm thời vẫn nên thận trọng và quan sát thị trường.
CTCK Yuanta Việt Nam: VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.355 điểm
Thị trường tiếp tục giảm điểm theo quán tính giảm của phiên liền trước nhưng cũng đã thu hẹp đà giảm về cuối phiên. Chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1,339.84 điểm giảm 0.79%. Chỉ số HNX-Index đảo chiều tăng nhẹ đóng cửa 358.98 điểm; Chỉ số UpCOM-Index giảm 0,71%. Giá trị giao dịch khớp lệnh toàn thị trường đạt hơn 27,758 tỷ đồng.
Áp lực bán tiếp tục đeo bám ở nhóm bluechips trong đó nhóm bất động sản. Điểm sáng là vẫn xuất hiện cổ phiếu mạnh hơn thị trường như MSN, MWG, VNM đã hồi phục trở lại trong khi BVH (+3.3%) đảo chiều tăng.
Dòng tiền đầu cơ hoạt động khá tích cực đã giúp SCR, DLG, TDH, SJF, QBS tăng hết biên độ.
Khối ngoại bán ròng hơn 370 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Yuanta cho rằng, thị trường có thể sẽ quay trở lại đà tăng trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.355 điểm đồng thời dòng tiền có thể sẽ gia tăng mạnh và lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu ở những phiên giao dịch tới, điểm tích cực là dòng tiền ngắn hạn vẫn chưa thoát khỏi thị trường và luôn tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Ngoài ra, Yuanta vẫn tiếp tục đánh giá rủi ro ngắn hạn ở mức thấp.
CTCK Vietcombank (VCBS): Có thể giải ngân cho mục đích ''lướt sóng'' ngắn hạn
Những thông tin vĩ mô tiêu cực trên thế giới đã đã đẩy nhiều chỉ số chứng khoán lớn trong khu vực châu Á lao dốc và thị trường Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đang lùi về vùng hỗ trợ quanh đường trung bình động 20 ngày (tương ứng với vùng 1.330 – 1.332 điểm).
Áp lực điều chỉnh giảm xuất hiện khi chỉ số vượt lên khỏi ngưỡng 1.350 điểm là điều dễ hiểu trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ như hiện tại.
VCBS nhìn nhận phiên giảm điểm 21/9 chưa phải là tín hiệu về xu hướng giảm mà chỉ là sự điều chỉnh bình thường của chỉ số chung trước ngưỡng kháng cự mạnh. Mặt khác, thị trường sẽ cần thêm thời gian tích lũy và thông tin hỗ trợ thì mới có thể kỳ vọng bước vào một nhịp tăng mới. Theo đó, sau một vài phiên có tín hiệu dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thì dòng tiền đã có dấu hiệu quay trở lại một số cổ phiếu vốn hóa trung bình trong phiên 21/9.
CTCK Chứng khoán Asean - AseanSC: Hồi phục trong phiên sáng nhưng thu hẹp đà tăng vào cuối ngày
Thị trường hôm nay ghi nhận một phiên giảm điểm khá do ảnh hưởng tiêu cực từ chứng khoán thế giới trong đó hầu hết các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng, hàng không,… đều có diễn biến kém tích cực.
Dự báo trong phiên giao dịch tới, lực cầu bắt đáy có thể giúp VN-Index hồi phục trở lại trong phiên sáng để kiểm tra vùng kháng cự gần 1.340 – 1.345 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.350 – 1.355 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao, khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày trong đó vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Duy trì vị thế trung hạn
VN-Index mở gap giảm điểm và tiếp tục lao dốc với biên độ rộng trong phiên trước khi hồi phục và lấy lại phần nhiều số điểm đã mất. Vùng hỗ trợ quanh 1.320 (+-5) đang cho phản ứng tích cực và tạo điểm đỡ cho chỉ số giúp trạng thái thị trường sớm quay lại trạng thái cân bằng. Mặc dù rủi ro tiếp tục điều chỉnh rung lắc của VN-Index vẫn còn hiện hữu nhưng chừng nào chưa đánh mất cận dưới của vùng hỗ trợ tại 1.315 điểm, cơ hội duy trì xu hướng hồi phục vẫn được bảo lưu.
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Đứng ngoài và quan sát thị trường
Việc khối ngoại quay trở lại bán ròng với khoảng 450 tỷ đồng trên hai sàn đã tạo nên phần nào áp lực điều chỉnh. Trên góc nhìn kỹ thuật, việc VN-Index đánh mất ngưỡng 1.350 điểm khiến cho xu hướng xấu đi đôi chút nhưng hy vọng để hồi phục lại là vẫn còn.
SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 22/9, VN-Index có thể hồi phục trở lại để hướng đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1,350 điểm nếu như vùng hỗ trợ trong khoảng 1.320 - 1.330 điểm (MA20-50) được giữ vững.
Dòng tiền cá nhân gia tăng tại nhóm bất động sản, cổ phiếu ngân hàng hút vốn trở lại
Khuyến nghị cổ phiếu phiên 23/9: ACL, BVH, HTI, SJS, IPA, VHM, HDC, PNJ