Chứng khoán VCBS cho rằng, diễn biến chủ đạo của thị trường chứng khoán trong những phiên giao dịch tới nhiều khả năng sẽ là dao động tích lũy với thanh khoản không cao.
Tổng quan phiên 29/9:
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố thì Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6.17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Với thông tin tương đối ảm đạm về tình hình kinh tế vĩ mô quý III, phần lớn thời gian trong phiên ngày 29/9/2021 VN-Index giao dịch trong sắc đỏ và kết phiên hầu như đứng yên tại chỗ.
Tương tự như thị trường chung, VN30-Index giảm nhẹ ở mức 0,04%, với 17 mã giảm giá, 1 mã tham chiếu và 12 mã tăng giá. Các cổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm giảm mạnh nhất trong rổ VN30. Cổ phiếu STB, CTG, BVH, SSI và VPB đều cùng nhau giảm quanh mức 1 - 3%. Tuy nhiên, nhờ đà tăng tốt gần 4% của POW và MSN, cùng đó là GAS, PLX và TPB, đã giúp VN30 không mất nhiều điểm khi kết phiên giao dịch ngày.
Trong phiên 29/09/2021, MSN, GAS và HPG là 3 cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index, với tổng cộng gần 3 điểm tăng. Trong khi đó, CTG và VCB là hai cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất lên thị trường với gần 2 điểm giảm.
Cổ phiếu ngành chứng khoán giảm hơn 1%, và đây cũng là ngành giảm mạnh nhất thị trường. Phần lớn các mã cổ phiếu trong nhóm này đều giảm giá, tuy vậy, mức giảm tương đối là ít khi chỉ quanh quẩn ở mức 1 - 2%. Các ông lớn trong ngành như SSI, VND, VCI hay MBS giảm quanh mức 1% song không phải cổ phiếu chứng khoán nào cũng giảm giá, cổ phiếu TVB lại đi ngược lại với toàn ngành và tăng 1,67%.
Cổ phiếu ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và giải trí lại bất ngờ có phiên tăng mạnh nhất thị trường dù rằng đây vẫn là ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Cổ phiếu OCH tăng 5,06%, NVT tăng 3,87%, RIC tiến 2,11%....
Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,1 điểm (-0,01%) xuống 1.339,21 điểm; toàn sàn có 191 mã tăng, 210 giảm và 44 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,74 điểm (-0,49%) xuống 354,29 điểm; toàn sàn có 119 mã tăng, 92 mã giảm và 63 mã đứng giá. UpCOM-Index giảm 0,07 điểm (-0,07%) xuống 95,94 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức khá thấp với tổng giá trị khớp lệnh đạt 17.646 tỷ đồng - giảm 11,9% trong đó giá trị khớp lệnh riêng tên HOSE ảm 6,83% xuống 15.221 tỷ đồng.
Sau phiên mua ròng hôm qua, khối ngoại đã đảo chiều trở lại bán ròng trên toàn thị trường, giá trị ghi nhận 536 tỷ đồng. HPG trở lại là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với giá trị trên 100 tỷ đồng. Bên cạnh còn có CTG, NVL, STB, DGC... Ngược chiều, nhà đầu tư ngoại tập trung mua ròng với các cổ phiếu VNM, MBB, VHC, PLX, FTS...
Phiên này, VN-Index xuất hiện mẫu hình nến High Wave Candle sau khi test lại các đường SMA 100 ngày, đường SMA 50 ngày và trendline tăng ngắn hạn. Điều này cho thấy bên mua đã hiện diện tại đây và giúp chỉ số phục hồi trở lại. Tuy vậy, khối lượng giao dịch duy trì ở mức rất thấp trong 2 phiên liên tiếp cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang thận trọng.
Nhận định phiên 30/9:
CTCK Asean (Aseansc): Có thể tiếp tục giảm điểm
Aseansc đánh giá, thị trường 29/9 là một phiên giao dịch giằng co trong bối cảnh cung cầu khá cân bằng; thanh khoản duy trì ở mức thấp hơn trung bình 20 ngày. Thông tin GDP quý III tăng trưởng âm cũng khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Dự báo trong phiên giao dịch 30/9, VN-Index có thể sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.330 – 1.335 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.320 – 1.325 điểm.
Về mặt kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến xanh dài dạng ‘Dragonfly doji’ với giá đóng cửa nằm dưới đường MA20 ngày; đây là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy đà hồi phục của thị trường đang tạm thời chững lại. Tuy nhiên, việc thanh khoản ở mức thấp hơn trung bình 20 ngày cho thấy độ tin cậy của cây nến này là chưa cao.
CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS): Tiếp tục dao động tích lũy
VCBS nhận định, VN-Index đang có những phiên tích lũy và dần lấy lại sự ổn định. Tuy nhiên thị trường sẽ cần thêm thông tin hỗ trợ để tiếp tục duy trì đà tăng này. Bên cạnh đó, giá các cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt chỉ số VN-Index nhìn chung đều đang có xu hướng kiểm tra lại các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn.
VCBS cho rằng, diễn biến chủ đạo trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ vẫn là dao động tích lũy với thanh khoản không cao và tiếp tục duy trì quan điểm đưa ra ở phiên trước.
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Cơ hội tiếp nối đà tăng nếu vượt được vùng 1.360 điểm
KBSV cho rằng lực cầu bắt đáy tại vùng hỗ trợ gần quanh 1,32x điểm giúp cho thị trường ngày 29/09 trở lại trạng thái cân bằng hơn sau nhịp bán mạnh đầu phiên. Diễn biến này cho thấy cơ hội tiếp nối đà tăng điểm vẫn đang được duy trì. Mặc dù vậy, kịch bản này chỉ được xác nhận nếu VN-Index vượt qua được vùng kháng cự then chốt quanh 1.360 điểm.
KBSV khuyến nghị nhà đầu tư nên nắm giữ vị thế trung hạn và tiếp tục kê mua lại một phần vị thế trading ở vùng giá thấp trong các nhịp điều chỉnh.
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Canh những phiên hồi phục để giảm tỷ trọng
Thị trường giảm rất nhẹ với thanh khoản suy giảm và thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền đang có sự thận trọng và một bộ phận nhà đầu tư đang đứng ngoài quan sát. Khối ngoại quay trở lại bán ròng trên hai sàn với khoảng 530 tỷ đồng phần nào tạo áp lực lên các chỉ số.
Trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng của VN-Index vẫn chưa có gì thay đổi một khi chỉ số này vẫn giằng co trong vùng 1.330 - 1.345 điểm. SHS dự báo trong phiên giao dịch tiếp theo 30/9, VN-Index có thể tiếp tục giằng co và rung lắc với vùng kháng cự trong khoảng 1.340 - 1.345 điểm (MA20) và ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.330 điểm (MA50).