Xuất khẩu công nghệ Hàn Quốc tăng kỷ lục, song khó tách rời Trung Quốc
Theo dữ liệu hải quan mới nhất, lượng chip xuất khẩu trung bình hằng ngày của Hàn Quốc trong năm nay đã tăng 12,4% so với cùng kỳ, đạt thặng dư thương mại 8 tỷ USD.
Công nghệ là một trong các lĩnh vực xuất khẩu chủ chốt của nền kinh tế Hàn Quốc, trong đó mặt hàng chất bán dẫn và pin sạc cũng gia tăng khi nhu cầu toàn cầu về trí tuệ nhân tạo và xe điện bùng nổ.
Cụ thể, xuất khẩu bán dẫn của tháng 6 đạt 13,4 tỷ USD, tăng 50,9% so với năm trước đó, đánh dấu mức tăng trưởng xuất khẩu lớn nhất được ghi nhận.
Với căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, Hàn Quốc đang tập trung tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng để xây dựng vùng đệm chống lại sự gián đoạn bất ngờ có thể xảy ra với thương mại toàn cầu.
Chính phủ khuyến khích các nhà xuất khẩu đa dạng hóa các tuyến bán hàng. Các nhà xuất khẩu Hàn Quốc nằm trong số những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào thị trường Trung Quốc vào thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang cố gắng tự chủ công nghiệp, công nghệ.
Trong khi đó, sức mạnh của nền kinh tế Mỹ mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Hàn Quốc, bao gồm cả Samsung Electronics, khi các công ty Mỹ như Nvidia tăng đơn đặt hàng. Những tháng gần đây, đã có thời điểm Mỹ vượt qua Trung Quốc về nhu cầu với sản phẩm của Hàn Quốc, đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ thương mại của Seoul với hai đối tác thương mại lớn nhất của mình.
Theo các nhà kinh tế Jin-Wook Kim và Jiuk Choi của Citigroup, mặc dù Hàn Quốc xuất khẩu ít hơn sang Trung Quốc nhưng có sự phụ thuộc cao “về mặt cấu trúc”, khiến Seoul khó giảm bớt sự phụ thuộc vào đại lục trong chuỗi cung ứng sản xuất.
Các công ty Hàn Quốc như SK Hynix vẫn vận hành các nhà máy quan trọng ở Trung Quốc, tìm nguồn nguyên liệu từ các nhà cung cấp địa phương. Đó là mối lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ muốn siết chặt dòng công nghệ tiên tiến chảy sang đối thủ của mình.
Tuần trước, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp tại Washington, nơi các nhà hoạch định chính sách công nghiệp hàng đầu cam kết tăng cường mối quan hệ trong chuỗi cung ứng và các công nghệ quan trọng, bao gồm chất bán dẫn, khoáng sản quan trọng và an ninh mạng.
SK Group cũng cho biết, họ có kế hoạch huy động 80 nghìn tỷ won đến năm 2026 để đầu tư vào AI và chất bán dẫn cũng, đồng thời hợp lý hóa hơn 175 công ty con.
Gã khổng lồ Hàn Quốc vạch ra kế hoạch trên sau cuộc họp chiến lược kéo dài hai ngày, nhằm mục đích hồi sinh tập đoàn trong bối cảnh đơn vị sản xuất pin xe điện đang thua lỗ nặng nề.
SK Group cho biết, họ tìm cách cải thiện khả năng cạnh tranh bằng cách tập trung vào chuỗi giá trị AI, bao gồm chip bộ nhớ băng thông cao (HBM), trung tâm dữ liệu AI và các dịch vụ khác như cá nhân hoá trợ lý ảo.
“Một sự thay đổi căn bản là mang tính cần thiết trong giai đoạn này”, chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won cho biết. Tại cuộc họp, các giám đốc điều hành cũng đồng ý thực hiện từng bước điều chỉnh số lượng công ty con trong tập đoàn đến “phạm vi có thể quản lý được”, mà không nêu rõ quy mô cắt giảm.
Hàn Quốc, quê hương của nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới như Samsung Electronics và SK Hynix, đã tụt lại phía sau một số đối thủ trong các lĩnh vực như thiết kế chip và sản xuất chip theo hợp đồng.
Đầu năm nay, chính phủ nước này đã công bố gói hỗ trợ trị giá 26 nghìn tỷ won (19 tỷ USD) cho các doanh nghiệp chip, với lý do cần bắt kịp các lĩnh vực như thiết kế chip và sản xuất theo hợp đồng trong bối cảnh “chiến tranh tổng lực” trên thị trường bán dẫn toàn cầu.
(Theo Bloomberg, Yahoo Finance)
>> Chaebol lớn thứ 3 Hàn Quốc ‘chơi lớn’ đầu tư 75 tỷ USD cho chất bán dẫn và AI
Chaebol lớn thứ 3 Hàn Quốc ‘chơi lớn’ đầu tư 75 tỷ USD cho chất bán dẫn và AI
Cơ hội cho sĩ tử: Đại học FPT tuyển 1.000 sinh viên ngành vi mạch bán dẫn, học bổng đến 100%