Xuất khẩu gặp khó, ngành gỗ Việt Nam vẫn đặt mục tiêu 17 tỷ USD/năm
Xung đột trên thế giới diễn biến phức tạp cộng với tình hình lạm phát tăng cao khiến xuất khẩu gỗ của Việt Nam gặp khó. Tuy vậy, ngành gỗ vẫn đặt mục tiêu đạt 17 tỷ USD trong năm 2023.
Đây là nội dung chính trong chuỗi sự kiện hội chợ máy - nguyên liệu gỗ quốc tế và Hội nghị giao ban ngành chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2023, do Bộ NN-PTNT phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức tại Bình Dương ngày 9/8.
Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNN), trong 7 tháng đầu năm 2023, xung đột diễn biến phức tạp, kéo dài làm cho lạm phát toàn thế giới tăng cao dẫn đến các thị trường xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, trong đó ngành gỗ và lâm sản.
Nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục thắt chặt chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có gỗ và lâm sản. Theo thống kê, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản chỉ đạt 7,8 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ và chỉ mới đạt 46% kế hoạch năm.
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho biết, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam đang xuất khẩu sản phẩm ra 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do ảnh hưởng chung của tình hình thế giới, ngành gỗ Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu.
Tuy nhiên, các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có tín hiệu phục hồi kinh tế, trong đó có thị trường lớn là Mỹ. Do vậy, dự báo khả năng mặt hàng này xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ tăng trở lại. Đây là một trong những dấu hiệu lạc quan đối với ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới.
Cũng theo ông Lập, khi các thị trường lớn trên thế giới mở cửa trở lại, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng phải thay đổi mình, chủ động phát triển các dòng sản phẩm mới để đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng tại các thị trường.
Bên cạnh đó, phải triển khai các giải pháp để mở rộng kết nối thị trường trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Về vai trò của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, ông Lập cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ đàm phán để thống nhất quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của các thị trường nhập khẩu. Đây là yêu cầu cấp thiết để thúc đẩy phát triển gỗ rừng trồng bền vững.
Cụ thể, đề xuất thí điểm mô hình phát triển doanh nghiệp theo hướng kinh tế xanh, trong đó, hướng tới “cam kết Net Zero” trong ngành gỗ; chỉ đạo cơ quan ngoại giao tại các nước ngoài tăng cường hỗ trợ; tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng và trong việc xác minh, truy xuất nguồn gỗ rừng trồng trong nước; giảm và tiến tới hạn chế nhập khẩu gỗ rừng tự nhiên không có chứng chỉ, đặc biệt là những vùng địa lý nhiều rủi ro.
Giữa những khó khăn, thách thức, các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam vẫn đặt kỳ vọng năm 2023, ngành gỗ sẽ cán mốc xuất khẩu 17 tỷ USD.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, địa phương chiếm hơn 40% sản lượng gỗ cả nước, cho biết, thị trường xuất khẩu gỗ của Bình Dương thời gian qua cũng gặp phải tình trạng chung là khó khăn, đơn hàng giảm sút.
Với mục tiêu ngành gỗ đề ra trong năm 2023 là 17 tỷ USD, ngành gỗ Bình Dương vẫn phấn đấu đạt khoảng 40% giá trị xuất khẩu của cả nước.
Hoạt động xuất khẩu gỗ của Phú Tài (PTB) sẽ cải thiện khi Fed hạ lãi suất
Mặt hàng giúp Việt Nam thu về hàng chục tỷ USD dự báo gặp khó trong những tháng cuối năm