Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đã có trên 142.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022, cao nhất trong 3 năm qua.
Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường xuất khẩu lao động đã có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 142.779 người, đạt 158,64% kế hoạch. Trước đó, mục tiêu đặt ra là đưa 90 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài.
Trong năm 2022, Nhật Bản thu hút nhiều lao động Việt Nam nhất với trên 67.000 người, tiếp sau là Đài Loan (Trung Quốc) 58.598 người, Hàn Quốc 9.968 người… Trong số hơn 142.000 lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc, có gần 49.000 nữ, chiếm tỷ lệ 34,2%. Trước dịch Covid-19, có tới 147.000 lao động đi nước ngoài làm việc. Khi đó, dẫn đầu thị trường cũng là Nhật Bản (80.002 lao động), kế đến là Đài Loan (Trung Quốc) với hơn 54.000 lao động, Hàn Quốc trên 7.000 người...
Thành tích này ghi nhận sự nỗ lực vượt qua những khó khăn của lĩnh vực này do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Hơn 142 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng là con số cao nhất trong hai năm trở lại đây, đánh dấu sự khởi sắc với thị trường lao động ngoài nước.
Trước đó, năm 2019, số lao động lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt mức kỷ lục là 152 nghìn người. Nhưng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, con số này đã giảm xuống còn khoảng 78.000 người vào năm 2020 và chạm đáy hơn 45.000 người vào năm 2021.
Trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động theo thỏa thuận đã ký với các nước tiếp nhận lao động. Cơ quan này cũng thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển thị trường truyền thống; đàm phán mở rộng thêm các thị trường thu nhập cao, việc làm tốt cho người lao động.
Dự kiến, mục tiêu của năm 2023 là đưa khoảng 110.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Từ ngày 1/1/2022, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức có hiệu lực. Do đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước tích cực cung cấp thông tin, phổ biến chính sách, quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn triển khai.
Hiện nay, lĩnh vực quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có 29 thủ tục hành chính, trong đó có 24 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp Trung ương và 5 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp địa phương.
100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục Quản lý lao động ngoài nước ở dịch vụ công trực tuyến mức độ 2.
Nhiều công ty xuất khẩu lao động vừa bị xử phạt vì vi phạm quy định pháp luật
Hơn 72.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 6 tháng đầu năm