Mỹ mất ngôi, Trung Quốc trở thành khách hàng số 1 của ‘át chủ bài’ thủy sản Việt
Nửa đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc tăng hơn 80%, lần đầu tiên vượt Mỹ, trở thành thị trường số 1 của Việt Nam.
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau thời gian trầm lắng, xuất khẩu tôm – "con bài chiến lược" trong ngành thủy sản – của Việt Nam đang bật tăng mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, Trung Quốc (gồm Hong Kong) đã vươn lên dẫn đầu, nhập khẩu gần 595 triệu USD tôm Việt, tăng hơn 80%. Đây là lần đầu tiên quốc gia này vượt Mỹ để trở thành thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam.
Điều này cho thấy Trung Quốc đang nổi lên là điểm đến chiến lược trong bối cảnh ngành tôm Việt Nam chịu sức ép lớn từ các chính sách thuế mới của Mỹ. Việc Trung Quốc thiếu hụt nguồn cung trong nước, kết hợp với nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào mùa hè, đặc biệt là với các sản phẩm cao cấp như tôm hùm, đang tạo ra cơ hội đáng kể cho doanh nghiệp Việt.
Một lợi thế lớn của Việt Nam là vị trí địa lý gần Trung Quốc và khả năng cung ứng với giá cả cạnh tranh, giúp tôm Việt chiếm được thị phần đáng kể trong bối cảnh thị trường này đang tăng trưởng nhanh chóng sau đại dịch.
Trong khi đó, thị trường Mỹ, từng là trụ cột quan trọng đang đối mặt với thách thức lớn. Dù kim ngạch 6 tháng đầu năm vẫn tăng 13% lên 341 triệu USD, phần lớn mức tăng đến từ việc doanh nghiệp Việt “chạy đơn” vào tháng 5 để kịp giao hàng trước thời điểm Mỹ áp thuế. Sang tháng 6, xuất khẩu tôm sang Mỹ đã giảm mạnh 37%.
Từ tháng 4/2025, chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế đối ứng 10% lên nhiều mặt hàng nhập khẩu, bao gồm thủy sản. Đến tháng 7, mức thuế với tôm nâng lên 20%, áp dụng từ 1/8. Chưa dừng lại, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với rủi ro từ thuế chống bán phá giá sơ bộ (trên 35%) và thuế chống trợ cấp dự kiến được công bố cuối năm nay.
Theo VASEP, chính sách thuế không chỉ gây xáo trộn dòng chảy thương mại mà còn khiến nhà nhập khẩu Mỹ trở nên dè chừng. Các doanh nghiệp Việt khó lên kế hoạch dài hạn cho giá cả, đơn hàng và sản xuất. Điều này buộc ngành tôm phải gấp rút tái cấu trúc thị trường, trong đó Trung Quốc và EU trở thành hai điểm tựa thay thế.
![]() |
Trung Quốc (gồm Hong Kong) đã nhập khẩu gần 595 triệu USD tôm Việt (Ảnh minh họa) |
Nhìn chung, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ. Tôm chân trắng tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất với 62,1%, tôm loại khác đạt 27,4% và tôm sú là 10,5%. Đáng chú ý, nhóm “tôm loại khác” ghi nhận mức tăng trưởng ngoạn mục tới 124%, phản ánh xu hướng đa dạng hóa chủng loại và phục vụ các phân khúc ngách đang được thị trường đón nhận tích cực.
Sức mua tăng mạnh từ Trung Quốc đã tác động trực tiếp đến giá tôm trong nước. Trong tháng 7, giá tôm chân trắng tại nông trại đã tăng thêm khoảng 5.000 đồng/kg chỉ trong hai tuần. Giá tôm sú cỡ lớn cũng lên mức cao nhất kể từ đầu năm, đạt khoảng 201.000 đồng/kg do nguồn cung khan hiếm.
VASEP dự báo trong tháng 7 và các tháng tới, xuất khẩu tôm sẽ có dấu hiệu chững lại do tác động từ thuế mới của Mỹ. Tuy nhiên, với chiến lược tái cơ cấu thị trường, ưu tiên các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, kết hợp với nâng cấp chuỗi giá trị, từ vùng nuôi chuẩn hóa đến chế biến sâu và logistics, doanh nghiệp Việt vẫn có dư địa để duy trì đà tăng trưởng.
Việc nâng cao năng lực truy xuất nguồn gốc, minh bạch xuất xứ và chủ động ứng phó với các thay đổi chính sách quốc tế cũng là yếu tố then chốt giúp ngành tôm Việt Nam trụ vững trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.
>> Trung Quốc bất ngờ gom mạnh, mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam tăng giá kỷ lục
Xuất hiện cứu tinh cho sầu riêng Việt Nam: Xuất khẩu tăng gấp 3, đến Thái Lan cũng mạnh tay chốt đơn
Trung Quốc bất ngờ gom mạnh, mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam tăng giá kỷ lục