Tăng tốc phát triển đô thị và kinh tế biển
Giấc mơ thành phố trực thuộc Trung ương đang dần định hình tại Khánh Hòa, không chỉ bằng chiến lược bài bản mà còn bởi những vùng động lực đang chuyển mình mạnh mẽ. Trong số đó, Khu kinh tế Vân Phong nổi bật như “đầu tàu” công nghiệp, một trung tâm kinh tế biển chiến lược, mang khát vọng đưa tỉnh vươn lên thành cực tăng trưởng của cả nước.

“Ðòn bẩy” Khu kinh tế Vân Phong
Nằm sát tuyến hàng hải quốc tế, sở hữu vịnh nước sâu lý tưởng cùng hệ thống cảng biển quy mô, Khu kinh tế Vân Phong (KKT Vân Phong) đang được quy hoạch thành trung tâm kinh tế biển hiện đại đa ngành bao gồm: cảng trung chuyển container quốc tế, logistics, du lịch - giải trí cao cấp, công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo và công nghệ cao trong chế biến hải sản. Ông Trần Minh Chiến - Trưởng Ban Quản lý KKT Vân Phong, khẳng định: “Vân Phong không chỉ là một khu kinh tế tổng hợp, mà là mũi nhọn phát triển chiến lược, thúc đẩy tăng trưởng cho toàn vùng Nam Trung bộ và góp phần khẳng định vị thế quốc gia trên bản đồ kinh tế biển thế giới”.
Những siêu dự án cũng đang hình thành tại KKT Vân Phong, từ những nhà máy hàng đầu như Hyundai - Việt Nam, nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (Sumitomo - Nhật Bản) cho đến các khu đô thị, khu công nghiệp mới đang xúc tiến đầu tư như: Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng (diện tích 288 ha, vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng); Khu đô thị cao cấp Cổ Mã (235 ha, 5.900 tỷ đồng); Khu đô thị Tu Bông (2.579 ha, 40.189 tỷ đồng); Khu đô thị Đầm Môn (1.440 ha, 25.119 tỷ đồng)… đã chứng tỏ Vân Phong đang là điểm sáng thu hút đầu tư của tỉnh. Ban Quản lý KKT Vân Phong cũng đang phối hợp tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tại các thị trường chiến lược: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc... để thu hút các tập đoàn lớn trong các lĩnh vực cảng biển, lọc hóa dầu, năng lượng xanh (hydro), đô thị thông minh và du lịch đẳng cấp quốc tế.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia về quy hoạch của Việt Nam) nhận định: Không chỉ là một khu kinh tế, Vân Phong đang vươn lên trở thành “thành phố trong tương lai”, nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố của một trung tâm phát triển kinh tế biển - công nghiệp - du lịch đẳng cấp quốc tế. “Trong chiến lược đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Vân Phong chính là mắt xích chiến lược, là bàn đạp để bứt phá. KKT Vân Phong không chỉ là đầu tàu kinh tế của Khánh Hòa mà sẽ là một cực tăng trưởng trọng yếu của quốc gia trong tương lai gần”, ông Sơn nhìn nhận.
Một điểm sáng chiến lược đang được giới chuyên gia kỳ vọng là đề án thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc gia về Công nghệ Đại dương tại Khánh Hòa. Theo nhóm chuyên gia Ðại học Kinh tế TPHCM, đây không chỉ là công cụ phản ứng chính sách mà còn là nền tảng để chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế biển, từ khai thác tài nguyên sang kiến tạo tri thức, công nghệ và giá trị bền vững. Trung tâm sẽ là nơi tích hợp nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy hợp tác liên ngành, hướng đến ba trụ cột: kinh tế bền vững - xã hội bền vững - môi trường bền vững.
Khu thương mại tự do
Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa, cho biết: Để có thể bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Khánh Hòa đang trình Trung ương đề án thành lập “Khu thương mại tự do (TMTD) Khánh Hòa”. Ông Nhân nhấn mạnh, đề án thành lập “Khu TMTD Khánh Hòa” gắn với các khu kinh tế ven biển, các cảng biển, cảng hàng không quốc tế tại tỉnh sẽ có tác động tích cực đến kinh tế - xã hội không chỉ của Khánh Hòa mà còn cả nước. Khu TMTD sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, hải quan, thủ tục hành chính, chính sách về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Khu TMTD Khánh Hòa cũng tạo cú hích phát triển logistics, vận tải biển, xuất khẩu và du lịch biển. Theo Giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa, về nguồn thu ngân sách của tỉnh trong ngắn hạn sẽ không có nhiều phát sinh do chính sách ưu đãi về thuế, nhưng trong dài hạn khu TMTD sẽ có tác động tăng thu ngân sách, thúc đẩy đầu tư FDI và sản xuất hướng đến xuất khẩu, giúp tăng trưởng GRDP. Sau thời gian ưu đãi, doanh nghiệp bắt đầu đóng góp ổn định vào ngân sách. Các khoản thu như: lệ phí hải quan, phí sử dụng hạ tầng, dịch vụ logistics... cũng tăng theo quy mô hoạt động.
TS. Hà Huy Ngọc - Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới, cho biết: Mô hình khu TMTD là xu thế toàn cầu, với hơn 5.300 khu được hình thành tại 147 quốc gia và vùng lãnh thổ đến cuối năm 2024, tạo ra hơn 200 triệu việc làm trực tiếp và 3.800 tỷ USD giá trị gia tăng liên quan đến thương mại. Các khu TMTD được xem là mô hình linh hoạt, sáng tạo về thể chế, nhằm khai thác lợi thế vị trí chiến lược, quan hệ thương mại, chi phí sản xuất, và tạo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn.
Theo ông Ngọc, dựa trên bài học từ các mô hình khu TMTD tiêu biểu quốc tế như: Thượng Hải, Hải Nam, Incheon, Jebel Ali và kinh nghiệm trong nước ở Đà Nẵng, Hải Phòng, việc đề xuất khu TMTD Vân Phong nên theo mô hình hỗn hợp. Mô hình này sẽ tích hợp đa dạng các ngành nghề từ sản xuất, logistics đến thương mại, dịch vụ, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, tận dụng lợi thế 19 phân khu chức năng của KKT Vân Phong. “Các cơ chế chính sách đặc biệt cần thực hiện gồm: Thuế quan, đất đai, tài chính, quản lý ngoại hối và thủ tục hành chính, nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, và thu hút các nguồn lực ưu việt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, TS. Hà Huy Ngọc cho hay.

Kinh tế biển là động lực chủ đạo
Với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, tỉnh Khánh Hòa đang tăng tốc trên nhiều mặt trận, trong đó phát triển kinh tế biển được xem là động lực then chốt, tạo bước ngoặt chiến lược cho giai đoạn phát triển mới. Ông Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa, cho biết: Ngành du lịch tỉnh đang được quy hoạch phát triển theo hướng toàn diện, chuyên nghiệp, bền vững và mang tầm quốc tế với 10 định hướng chiến lược lớn. Trong đó, chú trọng xây dựng thương hiệu du lịch xanh, phát triển du lịch thông minh, áp dụng bộ tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển du lịch bền vững.
Tính đến giữa năm 2025, tại KKT Vân Phong có 155 dự án đã được cấp phép với tổng vốn đầu tư gần 5,4 tỷ USD, trong đó có 24 dự án FDI đến từ các nhà đầu tư lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore... Chỉ trong 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 1,07 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu 751 triệu USD, đóng góp ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng và tạo việc làm cho gần 20.000 lao động.
Khánh Hòa ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch hiện đại, đặc biệt là giao thông kết nối, bến cảng, trung tâm hội nghị - biểu diễn quốc tế cũng như các không gian trải nghiệm các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, phố ẩm thực bên sông Cái Nha Trang. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh liên kết ngành trong đầu tư công và xã hội hóa các lĩnh vực như: văn hóa, thể thao, công thương, nông nghiệp, giáo dục… nhằm tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cho ngành du lịch. “Khánh Hòa đang khẳng định vị thế là trung tâm du lịch biển tầm quốc tế, nơi giao thoa giữa cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa truyền thống và hiện đại, sẵn sàng bứt phá trở thành điểm đến hàng đầu của cả nước và khu vực”, ông Hòa khẳng định.
Không chỉ là địa phương giàu tiềm năng du lịch, Khánh Hòa còn hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển kinh tế biển hiện đại, đa ngành và bền vững. Ông Nguyễn Trọng Chánh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa, cho rằng: Khánh Hòa đang đứng trước cơ hội vàng khi mở rộng không gian phát triển ra biển và khai thác hiệu quả hệ sinh thái phong phú. Những ngành mũi nhọn như nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, năng lượng tái tạo và dịch vụ hậu cần biển sẽ là trụ cột phát triển trong tương lai gần. Với hệ thống cảng biển quốc tế gồm Vân Phong, Cam Ranh và Cà Ná, tỉnh đang trở thành “thỏi nam châm” hút dòng vốn FDI vào logistics và công nghiệp xanh. Trong đó, Cảng Vân Phong có độ sâu tự nhiên hơn 20m được kỳ vọng trở thành cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất Việt Nam và Cảng Cà Ná sẽ đóng vai trò trung chuyển nông sản, năng lượng cho khu vực phía Nam của tỉnh.
Khánh Hòa cũng đặt mục tiêu phát triển nuôi biển công nghệ cao, điện gió ngoài khơi và từng bước đưa huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội - văn hóa biển, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Có 3.000 ha diện tích làm muối truyền thống với sản lượng 450.000 tấn/năm cùng vùng sản xuất giống cung ứng trên 45 tỷ con giống/năm, Khánh Hòa đang đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình khai thác bền vững, giảm áp lực khai thác tự nhiên, chống khai thác IUU và bảo vệ môi trường biển. “Nông nghiệp biển công nghệ cao sẽ vừa tạo nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, vừa góp phần bảo vệ hệ sinh thái và thực hiện cam kết quốc tế về phát triển xanh”, ông Chánh nhấn mạnh.
>> Khu kinh tế lớn bậc nhất Việt Nam sắp có thêm hai khu đô thị mới, quy mô hơn 6.000ha