Số lượng đoàn đối ngoại trong nửa đầu năm 2025 của Việt Nam gần bằng cả năm 2024
Hoạt động đối ngoại cấp cao sôi động đã góp phần tiếp tục xây dựng, củng cố và tăng cường quan hệ tốt đẹp với các đối tác trên cơ sở tin cậy, chân thành, hài hòa lợi ích.
Tối 22/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số giai đoạn tiếp theo.
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng trong những tháng đầu năm 2025 đã được triển khai một cách chủ động, quyết liệt và toàn diện, đóng góp thực chất cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển của đất nước.
Hoạt động đối ngoại cấp cao sôi động đã góp phần tiếp tục xây dựng, củng cố và tăng cường quan hệ tốt đẹp với các đối tác trên cơ sở tin cậy, chân thành, hài hòa lợi ích; làm sâu sắc hơn nội hàm hợp tác kinh tế và thế đan xen lợi ích, duy trì và củng cố môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển.
Số lượng đoàn đối ngoại trong nửa đầu năm 2025 gần bằng cả năm 2024; hơn 200 cam kết, thỏa thuận được ký kết, số lượng gấp 2 lần năm 2024; nâng cấp quan hệ với 10 nước; tính từ đầu nhiệm kỳ tới nay, đã nâng cấp 10/13 đối tác chiến lược toàn diện.
Bên cạnh đó, tiếp tục làm mới, đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng truyền thống, thông qua đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực Đông Bắc Á, Châu Âu, Châu Mỹ.
>>Tổng Bí thư Tô Lâm: Vươn mình trong hội nhập quốc tế
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đồng thời, khai phá nhiều thị trường mới, còn nhiều dư địa, giàu tiềm năng; tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Hiệp hội Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA), Liên minh Châu Phi (AU), Liên minh thuế quan miền Nam Châu Phi (SACU), Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), Qatar, Ai Cập...
Ngoài ra, tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh...; hội nhập quốc tế được thúc đẩy chủ động, có chiều sâu, phát huy vai trò chủ động, tham gia tích cực, đóng góp thực chất tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực...
Các cơ quan cũng tích cực thúc đẩy giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, “điểm nghẽn” trong quan hệ kinh tế với các đối tác lớn, đối tác chủ chốt.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai gần 300 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; hỗ trợ địa phương tổ chức hơn 150 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các địa phương ở trong và ngoài nước...
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế, góp phần triển khai Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và các nghị quyết quan trọng khác.
Khẳng định tình hình diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường đòi hỏi phải có ứng phó nhanh, kịp thời, hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục nắm chắc tình hình, đánh giá chính xác đối tác – đối tượng, tham mưu, đề xuất giải pháp, không để lãnh đạo Đảng, Nhà nước bị động, bất ngờ về đối ngoại.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng các cơ quan đại diện, các địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các cơ quan liên quan phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với tinh thần "ngoại giao kinh tế là một trong những trọng tâm của ngoại giao thời đại mới" theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, tăng tốc, bứt phá, cụ thể hóa, triển khai ngay các thỏa thuận cấp cao, tận dụng tối đa các thời cơ, cơ hội.
>>Chủ tịch nước Lương Cường: Hoạt động đối ngoại giúp nâng cao tiềm lực của đất nước
Bộ Ngoại giao cập nhật thông tin về tiến trình đàm phán thuế đối ứng với Mỹ
Bộ Ngoại giao lên tiếng về thông tin Việt Nam trở thành Nước Đối tác BRICS