Thị trường

Xuất khẩu ngành điện tử Việt Nam đạt đỉnh mới, Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi không để đất nước thành cứ điểm lắp ráp gia công

Trúc Lâm 16/01/2025 - 16:55

Ngành điện tử Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 134,5 tỷ USD trong năm 2024, đóng góp hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (405 tỷ USD).

Ngày 15/1/2025, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Diễn đàn Quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam".

Phát biểu tại diễn đàn, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh, thứ 5 về xuất khẩu linh kiện máy tính, thứ 6 về xuất khẩu thiết bị máy tính, thứ 7 về gia công phần mềm, và thứ 8 về thiết bị linh kiện điện tử. Đây là những con số có vẻ rất ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào nhưng thử hỏi, chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa".

Thực tế, ngành điện tử Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 134,5 tỷ USD trong năm 2024, đóng góp hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (405 tỷ USD).

Cụ thể, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 72,6 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ, chiếm 17,9% tổng trị giá xuất khẩu. Nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 53,9 tỷ USD, tăng 2,9% so với năm 2023. Ngoài ra, nhóm hàng máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt hơn 8 tỷ USD, tăng 5,3%, và nhóm hàng máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng khác thu về 52,2 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ.

Nhiều tập đoàn lớn như Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology và LG Display Hải Phòng đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao tại Việt Nam.

Xuất khẩu ngành điện tử Việt Nam đạt đỉnh mới, Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi không để đất nước thành cứ điểm lắp ráp gia công
Nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Các sản phẩm máy vi tính và linh kiện điện tử ngày càng đa dạng hóa theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, với cơ cấu xuất khẩu chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng của nhóm hàng nguyên chiếc và bán thành phẩm.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư Tô Lâm đặt câu hỏi: "Việt Nam đóng góp được bao nhiêu phần trăm trong những giá trị xuất khẩu đó hay đang ở những phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài. Một cái áo bán ra thì thiết kế, vải, lụa, chỉ, cúc đều của người khác thì thu nhập là bao nhiêu trên những sản phẩm này, có chăng đóng góp của chúng ta chỉ là công lao động và ô nhiễm môi trường".

Trong ngành điện tử, khu vực FDI xuất khẩu 100% giá trị điện thoại và linh kiện nhưng nhập khẩu đến 80% giá trị linh kiện này.

Tại Thái Nguyên, trong số 60 doanh nghiệp đối tác cung ứng cấp 1 của Samsung, có 55 là doanh nghiệp nước ngoài; tại Bắc Ninh, trong số 176 đối tác cấp 1, có 164 doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp và xử lý rác thải.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Tôi muốn nêu rõ những bất cập này để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật rằng doanh nghiệp của chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế". Ông cũng lưu ý: "Thời gian tới, Việt Nam phải thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn, đừng để trở thành cứ điểm lắp ráp, gia công, bãi rác của công nghệ thế giới, trong khi doanh nghiệp trong nước không học hỏi được điều gì".

Để nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần tập trung vào việc tự chủ công nghệ, phát triển công nghệ chiến lược và công nghệ lõi, đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Việc xây dựng hệ sinh thái công nghệ số bền vững, liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức hỗ trợ cũng là yếu tố then chốt. Ngoài ra, cần khơi nguồn nhân tài, thu hút chuyên gia công nghệ cao, xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn và hỗ trợ nghiên cứu khoa học để tạo ra các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu quốc tế.

Ô tô giảm sâu tới 400 triệu trước Tết Nguyên đán, người Việt đổ xô săn xe mới

Động thái mới của Tập đoàn 911 (NO1) sau cái ‘bắt tay’ với đối tác Z-TON xây nhà máy lắp ráp cần cẩu tự hành

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xuat-khau-nganh-dien-tu-viet-nam-dat-dinh-moi-tong-bi-thu-to-lam-keu-goi-khong-de-dat-nuoc-thanh-cu-diem-lap-rap-gia-cong-271951.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Xuất khẩu ngành điện tử Việt Nam đạt đỉnh mới, Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi không để đất nước thành cứ điểm lắp ráp gia công
    POWERED BY ONECMS & INTECH