Thế giới

Trụ cột của nền kinh tế lớn nhất 1 châu lục sụp đổ vì hàng Trung Quốc giá rẻ: Chỉ còn lại 4 nhà máy, hàng triệu công nhân thất nghiệp

Vũ Bấc 27/03/2025 12:30

Giữa lúc nền kinh tế Nigeria chìm trong khủng hoảng, làn sóng hàng dệt may giá rẻ từ Trung Quốc giáng cú đòn chí mạng khiến ngành công nghiệp từng thịnh vượng nhất của quốc gia này gần như không thể phục hồi.

Từng là ngành công nghiệp chủ lực tạo ra hàng trăm nghìn việc làm, ngành dệt may Nigeria giờ đây đang rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Áp lực từ hàng hóa giá rẻ nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc, cùng với những khó khăn nội tại như đồng nội tệ mất giá và chuỗi cung ứng yếu kém, đang đẩy nền kinh tế vào khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ thập niên 1990.

'Chết' vì hàng Trung Quốc giá rẻ: Trụ cột của cả một nền kinh tế sụp đổ, chỉ còn lại 4 nhà máy, hàng triệu công nhân thất nghiệp - ảnh 1
Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may Nigeria (NTMA) cho biết nước này chi 4 tỷ USD/năm để nhập khẩu hàng dệt may và vải may sẵn

Vào những năm 1990, ngành dệt may từng là niềm tự hào của nền kinh tế Nigeria. Hàng loạt nhà máy trải dài khắp Kaduna, Kano, Lagos và Onitsha đã cung ứng vải chất lượng cao cho cả thị trường nội địa và quốc tế.

“Ngành dệt may từng rất sôi động,” ông Hamma Ali Kwajaffa, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may Nigeria, nhớ lại. “Chúng tôi có các nhà máy ở khắp mọi nơi. Ngành này không chỉ tạo việc làm mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là bông.”

Ngành công nghiệp này từng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị nông nghiệp – công nghiệp – thương mại, giúp hàng nghìn nông dân trồng bông có thu nhập ổn định.

Làn sóng hàng Trung Quốc giá rẻ

Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài thập kỷ, tình thế đã đảo ngược. Hàng dệt may giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào Nigeria, khiến các nhà máy nội địa lao đao. Nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, số còn lại vật lộn để tồn tại.

Một trong những nguyên nhân chính là sự chênh lệch về chi phí sản xuất. Trong khi Nigeria vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu các nguyên liệu quan trọng như thuốc nhuộm, hóa chất, tinh bột và sợi tổng hợp, Trung Quốc lại có lợi thế lớn nhờ chuỗi cung ứng khép kín.

“Trung Quốc sản xuất hầu hết nguyên liệu thô ngay trong nước,” ông Anibe Achimugu, Chủ tịch Hiệp hội Bông quốc gia Nigeria, cho biết. “Điều này cho phép họ tối ưu hóa chi phí và hạ giá thành sản phẩm, trong khi chúng tôi bị phụ thuộc vào nhập khẩu.”

Không chỉ có nguyên liệu, Trung Quốc còn sở hữu hệ thống máy móc, công nghệ và logistics hiện đại – những yếu tố mà ngành dệt may Nigeria vẫn còn thiếu hụt nghiêm trọng.

'Chết' vì hàng Trung Quốc giá rẻ: Trụ cột của cả một nền kinh tế sụp đổ, chỉ còn lại 4 nhà máy, hàng triệu công nhân thất nghiệp - ảnh 2
Những bó tiền giấy Naira được trao cho một thương nhân tại một khu chợ ở Lagos

Một yếu tố khác đang khiến ngành dệt may Nigeria "nghẹt thở" là sự mất giá của đồng nội tệ - đồng naira. Năm 2023, Tổng thống Bola Ahmed Tinubu đã dỡ bỏ cơ chế neo tỷ giá, cho phép thị trường quyết định giá trị đồng tiền. Kể từ đó, naira liên tục lao dốc, kéo theo chi phí nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện tăng vọt.

Sự biến động tỷ giá cũng khiến môi trường đầu tư trở nên thiếu ổn định, ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng hoặc phục hồi sản xuất của nhiều doanh nghiệp dệt may. Xuất khẩu giảm làm mất đi nguồn thu của chính phủ; làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối bấp bênh của Nigeria, và làm trầm trọng thêm vòng xoáy suy thoái tại quốc gia đông dân nhất Châu Phi này.

Không chỉ chịu áp lực cạnh tranh về giá, ngành dệt may Nigeria còn đối mặt với nạn hàng giả và hành vi gian lận thương mại ngày càng tinh vi.

Theo ông Hamma Ali Kwajaffa, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may Nigeria, nhiều sản phẩm nhập khẩu – chủ yếu làm từ polyester – đang sao chép thiết kế truyền thống của Nigeria, đánh lừa người tiêu dùng rằng đó là hàng sản xuất trong nước.

“Những loại vải này thường nhanh phai màu và kém bền hơn so với vải cotton của chúng tôi,” ông trả lời báo DW. “Thậm chí, một số hàng nhập lậu từ Trung Quốc còn bị gắn nhãn giả là 'Made in Nigeria' và được bán với giá rẻ hơn, khiến người dân bị nhầm lẫn”.

Do giá cả chênh lệch lớn, người tiêu dùng địa phương vẫn ưu tiên lựa chọn hàng rẻ, bất chấp việc chất lượng kém ảnh hưởng đến sức khỏe và trải nghiệm sử dụng: “Chỉ sau hai đến ba ngày mặc, màu sẽ phai, vải sẽ gây kích ứng da… Nhưng người ta vẫn mua vì rẻ”.

'Chết' vì hàng Trung Quốc giá rẻ: Trụ cột của cả một nền kinh tế sụp đổ, chỉ còn lại 4 nhà máy, hàng triệu công nhân thất nghiệp - ảnh 3
Một khu chợ vải tại thành phố Kano, Nigeria

Từ 150 nhà máy chỉ còn chưa đến 4...

Chính phủ Nigeria từng ban hành chính sách thuế 10% với hàng dệt may nhập khẩu vào năm 1997, nhằm tạo quỹ phát triển ngành. Tuy nhiên, hơn hai thập kỷ trôi qua, theo Kwajaffa, khoản tiền này vẫn chưa đến tay các nhà sản xuất.

Không có hỗ trợ tài chính và phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ, các nhà máy trong nước buộc phải đóng cửa hàng loạt. Từ hơn 150 nhà máy dệt hoạt động vào thời kỳ đỉnh cao, Nigeria hiện chỉ còn chưa đến bốn nhà máy duy trì sản xuất – theo số liệu từ ông Anibe Achimugu, Chủ tịch Hiệp hội Bông quốc gia Nigeria.

Hậu quả kéo theo là hàng triệu người – từ công nhân dệt may, nông dân trồng bông đến các thương nhân liên quan – mất việc làm. Nhu cầu về bông trong nước cũng giảm mạnh, khiến hoạt động canh tác lâm vào khủng hoảng.

“Mùa trồng bông 2024-2025 là mùa tồi tệ nhất tôi từng chứng kiến,” ông Achimugu chia sẻ.

Tình trạng suy giảm nghiêm trọng của toàn bộ chuỗi ngành bông – dệt – may đã khiến Nigeria không còn khả năng duy trì tư cách thành viên trong Ủy ban Tư vấn Bông Quốc tế (ICAC) – tổ chức cung cấp nghiên cứu, dữ liệu thị trường và tư vấn chính sách cho ngành bông toàn cầu. Nguyên nhân: quốc gia này đã không đóng phí thành viên trong nhiều năm.

Kwajaffa cho rằng việc rời khỏi ICAC là hệ quả của việc “không kiếm đủ lợi nhuận để duy trì phí hội viên.” Ông đề xuất chính phủ có thể dùng khoản thu từ thuế nhập khẩu dệt may để hỗ trợ thanh toán phí này.

Mùa hè năm ngoái, chính phủ Nigeria đã ký thỏa thuận vay khoảng 3,5 tỷ USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi (Afreximbank) nhằm phục hồi ngành dệt may. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa thấy bất kỳ khoản giải ngân nào, cũng không được thông báo cụ thể về kế hoạch sử dụng khoản tiền này.

“Việc chờ đợi khoản vay càng ngày càng vô vọng” ông Kwajaffa bức xúc -“Chính phủ luôn nêu lý do ngân sách, rằng không có đủ nguồn tài trợ. Và chúng tôi - doanh nghiệp, và nông dân vẫn là người chịu thiệt.”

Tham khảo DW, New York Times

>> Quốc gia từng là 'phép màu kinh tế' của châu Á giờ lâm vào khủng hoảng vì chỉ tập trung vào một ngành duy nhất

Báo động hàng loạt nhà máy đóng cửa, 'xương sống' của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á khủng hoảng nghiêm trọng

11.000 công nhân mất việc vì tập đoàn dệt may lớn nhất Indonesia phá sản, đóng cửa toàn bộ nhà máy

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/chet-vi-hang-trung-quoc-gia-re-tru-cot-cua-ca-mot-nen-kinh-te-sup-do-chi-con-lai-4-nha-may-hang-trieu-cong-nhan-that-nghiep-139124.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Trụ cột của nền kinh tế lớn nhất 1 châu lục sụp đổ vì hàng Trung Quốc giá rẻ: Chỉ còn lại 4 nhà máy, hàng triệu công nhân thất nghiệp
    POWERED BY ONECMS & INTECH