1 triệu tỷ đồng "đắp chiếu" ở ngân quỹ: Vì đâu nên nỗi?

31-05-2023 14:13|Linh Nhi

Nghịch lý nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án đang rất lớn nhưng hơn 1 triệu tỷ đồng đang gửi trong ngân hàng mà "không sao tiêu được" là do đâu?

Vừa qua, tại phiên thảo luận ở tổ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho biết, tồn dư ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng ở mức khá cao, tới giữa tháng 5 này đã vượt 1 triệu tỷ đồng.

Mấu chốt vấn đề nằm ở đâu?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói, do nghẽn giải ngân đầu tư công, nên Bộ này phải gửi số tiền mà đại biểu Hà Sỹ Đồng đề cập của Kho bạc Nhà nước vào Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0,8%/năm. “Đây cũng là hạn chế”, người đứng đầu ngành tài chính nhìn nhận.

Liên quan tới số tiền 1 triệu tỷ đồng ngân quỹ nhà nước đang gửi tại ngân hàng thương mại, theo Tienphong.vn, ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Quản lý Ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước), cho biết nguyên nhân lớn nhất khiến ngân quỹ nhà nước tồn đọng do quy định chuyển nguồn vốn. Từ khi có quy định về chuyển nguồn vốn (năm 2018), số tiền chuyển nguồn tồn đọng qua các năm lớn dần.

“Tại báo cáo quyết toán ngân sách trong 3 năm gần đây, con số chuyển nguồn của ngân sách địa phương qua các năm ngày càng tăng. Theo Luật Ngân sách, các nguồn hiện nay, gồm: chuyển nguồn vốn đầu tư công từ năm trước sang năm sau; chuyển nguồn vốn cải cách tiền lương; chuyển nguồn từ tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm và nguồn kinh phí khác, như khoản chi thường xuyên đã ký hồ sơ trước ngày 31/12 hàng năm được chuyển sang năm sau”, ông Hoàng cho biết.

1 triệu tỷ đồng

“Một triệu tỷ đồng ngân quỹ nhà nước đang tồn đọng đều có nhiệm vụ chi theo từng khoản mục. Tuy nhiên, bộ ngành, địa phương chưa thực hiện đủ quy trình thủ tục, chưa giải ngân nên tiền đọng ngân quỹ”, ông Lưu Hoàng chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, theo Báo Đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói, cùng thể chế mà có nơi đã giải ngân trên mức trung bình, có nơi chưa được đồng nào thì không thể đổ hoàn toàn do thể chế được.

Về nguyên nhân, ông Thanh đề cập yếu tố đầu tiên là phân bổ vốn chậm. Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu đến ngày 31/3/2023 phân quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết cho nhanh, nhưng không kịp, nên lại phải đưa ra Quốc hội ở kỳ họp này.

“Kể cả vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia, vốn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công trung hạn đều chậm”, ông Thanh nhấn mạnh.

Đánh thức 1 triệu tỷ đồng đang ngủ đông

Để giải quyết tình trạng tiền tồn đọng ở ngân quỹ nhà nước, ông Lưu Hoàng kiến nghị, cơ quan chức năng cần có giải pháp hạn chế chuyển nguồn vốn hàng năm.

Ví dụ, khi lập dự toán, bộ ngành, địa phương phải sát thực tế số tiền có thể thực hiện, không “xí phần” vốn rồi không giải ngân hết.

Thực tế có tình trạng, một số địa phương, bộ ngành lập dự toán 100 đồng, chỉ tiêu hết 70 đồng, 30 đồng còn lại sẽ chuyển nguồn sang năm sau. Khi hạn chế được chuyển nguồn, tiền tồn ngân quỹ sẽ giảm ngay.

Bên cạnh đó, để khơi thông “cục máu đông” triệu tỷ đồng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, phải dùng một luật để sửa nhiều luật, trong đó có Luật Đầu tư công.

Vốn đầu tư công năm 2023 đã phân bổ là 638.613 tỷ đồng

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, sự chậm trễ có nguyên nhân nằm ở nhiều vấn đề trong tổ chức thực hiện, chứ không nằm ở pháp luật.

Tiếp tục đi tìm giải pháp “đánh thức” 1 triệu tỷ đồng đang “ngủ”, ông Thanh cho rằng, các giải pháp phải đồng bộ. Trước hết về thủ tục pháp lý, cần rà soát quy định nào vướng ở luật, nghị định, thông tư nào, trách nhiệm thuộc cấp nào cấp đó gỡ, thuộc thẩm quyền Quốc hội thì trình ra Quốc hội. Trong tổ chức thực hiện, cần khắc phục được tâm lý né trách nhiệm.

“Ủy ban Kinh tế của Quốc hội rất sốt ruột, báo cáo thẩm tra trình bày Quốc hội ở kỳ họp này đã đề nghị cần ưu tiên rà soát làm rõ, báo cáo Quốc hội về những vướng mắc, bất cập, chồng chéo của các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh (nếu có) và kịp thời đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới”, ông Thanh cho biết.

Vietcombank được chấp thuận tăng vốn lên hơn 55.800 tỷ đồng

NHNN bơm ròng 48,4 nghìn tỷ đồng thông qua thị trường mở

Hé lộ 3 ngân hàng đang nắm giữ hơn 240.000 tỷ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước

Bài thuộc chủ đề "Rã đông" 1 triệu tỷ
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/1-trieu-ty-dong-dap-chieu-o-ngan-quy-vi-dau-den-noi-185587.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
1 triệu tỷ đồng "đắp chiếu" ở ngân quỹ: Vì đâu nên nỗi?
POWERED BY ONECMS & INTECH