10 công trình tiêu biểu được đầu tư hiện đại ở Hà Nội
Qua các năm, rất nhiều dự án quy mô lớn được đầu tư xây dựng hiện đại trên địa bàn Hà Nội, trở thành những công trình tiêu biểu ở nhiều lĩnh vực.
Tòa nhà Quốc hội tọa lạc trên đường Độc Lập, đối diện là Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Công trình gồm 5 tầng nổi và 2 tầng hầm với 35.000m2 diện tích xây dựng và trên 60.000m2 diện tích sàn, tổng vốn đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng.
Trung tâm Hội nghị Quốc gia được đánh giá là một trong 3 trung tâm hội nghị lớn nhất khu vực Đông Nam Á khi mới khánh thành. Đây là trung tâm đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được xây dựng dựa trên công nghệ tiên tiến và hiện đại bậc nhất, được coi là một công trình trọng điểm của đất nước, có kiến trúc đẹp, hài hòa, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Trung tâm Hội nghị Quốc gia được xây dựng trên diện tích 60ha gồm 1 phòng họp lớn chứa 3.747 chỗ ngồi, 2 phòng họp lớn cao cấp, 20 phòng họp vừa và nhỏ. Bên ngoài trung tâm có một garage ngầm, trên là quảng trường đài phun nước, có một sân bay cho máy bay trực thăng...
Nhà ga hành khách T2, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội) có diện tích sàn 139.216m2 gồm 4 tầng (không kể tầng hầm phục vụ kỹ thuật). Tầng 1 dành cho hành khách đến quốc tế. Tầng 2 dành cho hành khách đi (nối chuyến) và đến quốc tế. Tầng 3 dành cho hành khách đi quốc tế. Tầng 4 là phòng chờ hạng thương gia và khu dịch vụ thương mại. Dự án có mức đầu tư gần 1 tỷ USD từ nguồn vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản. Công trình hoàn thành vào tháng 1/2015 sau 3 năm xây dựng.
Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) là công trình trung tâm và quan trọng nhất thuộc Khu liên hợp thể thao quốc gia. Tổng diện tích khu vực (1 sân chính, 2 sân tập) là 17,5 ha. Sân chính có sức chứa 40.192 chỗ ngồi (trong đó có 450 ghế VIP, 160 ghế dành cho báo chí) bằng ghế nhựa nhập từ Pháp. Hệ thống chiếu sáng gồm 355 bóng, được bố trí ở 4 cột, cao 54m. Mái sân vận động nặng 2.300 tấn, khẩu độ 156m, đường kính 1,1m. Công trình hoàn thành vào ngày 2/9/2003 kịp thời phục vụ SEA Games 22.
Cùng với cầu Thăng Long, cầu Đông Trù, cây cầu Nhật Tân là một trong những điểm kết nối giữa các quận trung tâm với huyện Đông Anh và Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Cầu Nhật Tân có tổng chiều dài là 9,17km trong đó phần cầu chính là 3,9km (đoạn cầu vượt sông Hồng là 1,5km) và phần cầu dẫn dài 5,27km. Công trình có tổng số vốn đầu tư lên đến 13.626 tỷ đồng, khánh thành vào tháng 1/2015 sau khoảng 6 năm thi công xây dựng.
Đại lộ Thăng Long với chiều dài 29,264 km là một trong những công trình giao thông trọng điểm được Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chọn là công trình hoàn thành chào mừng đại lễ. Chiều rộng tuyến đường là 140m, bao gồm 2 dải đường cao tốc riêng biệt quy mô 6 làn xe (rộng 16,25m); 2 dải đường đô thị 2 làn xe cơ giới rộng 10,5m; dải phân cách giữa 2 đường cao tốc rộng 20m; 2 dải đất dự trữ giữa hai dải đường đô thị.
Ngoài ra còn dải trồng cây xanh và vỉa hè. Trên tuyến đường có 51 cầu vượt sông, vượt nút giao. Tổng mức đầu tư dự án là 7.527 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương là 1.840 tỷ đồng và nguồn vốn của TP Hà Nội là 5.687 tỷ đồng.
Keangnam Hanoi Landmark Tower là tổ hợp khách sạn, thương mại, văn phòng, nhà ở với diện tích sàn lên tới 609.673m2. Công trình gồm 2 tòa chung cư cao cấp 50 tầng tạo hình tam giác với 922 căn hộ từ tầng 6 đến tầng 50. Kết nối với 2 tòa chung cư là tòa tháp thương mại, căn hộ cho thuê 72 tầng. Đây là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu thể hiện sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Ngày 6/11/2021, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và cả nước hoàn thành (tuyến Cát Linh - Hà Đông) chính thức vận hành thương mại, sau 10 năm khởi công. Công trình có tổng mức đầu tư được điều chỉnh theo phê duyệt của Bộ Giao thông Vận tải là hơn 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 9.231 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.
Sau 14 năm chờ đợi kể từ ngày thi công và nhiều lần lỡ hẹn, 8h ngày 8/8/2024, tàu đường sắt metro Nhổn - ga Hà Nội chính thức lăn bánh khai thác đoạn trên cao từ Nhổn tới ga Cầu Giấy. Theo quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được HĐND thành phố Hà Nội mới thông qua, định hướng đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, tăng 4 tuyến so với quy hoạch cũ. UBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng xong 96,8km và hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư 301km đường sắt đô thị, với tổng mức đầu tư 14,602 tỷ USD.
Cung Thiếu nhi mới ở Hà Nội nằm cạnh Công viên hồ điều hòa CV1 với tổng diện tích khoảng 40.000m2, diện tích sàn xây dựng khoảng 10.280m2. Công trình đặc biệt bởi có Tháp Thiên văn 18 tầng, bể bơi bốn mùa và nhiều phòng chức năng khác.
Dự án được UBND thành phố phê duyệt thời gian thực hiện từ năm 2020- 2024 (60 tháng); khởi công ngày 19/11/2021 và hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị ngày 30/6/2024 (tính từ năm 2020 là 54 tháng), rút ngắn 10% thời gian thực hiện.
Đây là một trong những công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao, hoạt động chính trị lớn của thanh thiếu nhi Thủ đô và cả nước.
>>Quận rộng nhất Hà Nội sẽ đón công viên hơn 170 tỷ đồng vào năm 2026