10 doanh nghiệp niêm yết lỗ nặng nhất quý 3/2022: Hàng không dẫn đầu, thép chiếm tới 50%

02-11-2022 19:07|Lan Phương

Hòa Phát (HPG) ghi nhận mức lỗ kỷ lục trong quý 3/2022 với con số lên đến 1.300 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lợi nhuận dương gần 11.000 tỷ.

Tính tới thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đã cập nhật báo cáo tài chính quý 3/2022. Bên cạnh nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc với con số lợi nhuận tăng bằng lần, nhiều ông lớn đầu ngành bất ngờ báo lỗ kỷ lục. Bức tranh tài chính kém sắc tạo áp lực đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư khiến thị giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này cũng không ngừng sụt giảm.

screenshot-1024-.png
10 doanh nghiệp niêm yết lỗ nặng nhất trong quý 3/2022                                                                 Đơn vị: Tỷ đồng

Vietnam Airline (HVN) tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng thua lỗ với hơn 2.472 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này lại cho thấy tín hiệu tích cực đối với hãng hàng không khi lợi nhuận phần nào đã đươc cải thiện so với mức -3.460 tỷ đồng trong quý 3/2021. 

Quý này cũng là quý đầu tiên HVN có lãi gộp trở lại kể từ năm 2021. Cụ thể, HVN ghi nhận doanh thu thuần đạt 21.156 tỷ đồng, gấp gần 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước và gần lấy lại mốc trước đại dịch Covid 19. Theo đó, lãi gộp đạt mức 165 tỷ đồng.

Dù vậy, chi phí nhiên liệu cùng tỷ giá USD/VND vẫn là bài toán khó đối với HVN trong bối cảnh hiện nay. Giá nhiên liệu tăng, đồng USD cũng tăng mạnh khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ đã nhấn chìm lợi nhuận của HVN trong kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, HVN mang về hơn 51.107 tỷ đồng doanh thu, tăng 173% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 7.784 tỷ đồng, giảm lỗ 4.370 tỷ đồng so với 9T/2021. Thoo đó, tổng mức lỗ lũy kế tại ngày 30/9/2022 được nâng lên mức 31.547 tỷ đồng.

Ở vị trí thứ 2 là ông vua ngành thép - Hòa Phát (HPG) với lợi nhuận âm 1.300 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 11.000 tỷ đồng. Đây là lần thứ 2 tập đoàn thép đầu ngành báo lỗ kể từ cuộc khủng hoảng 2008 đến nay và cũng là mức lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động.

Cùng với Hòa Phát, 4 doanh nghiệp thép khác cũng góp mặt trong Top 10 là Hoa Sen (HSG)  với -977 tỷ đồng lãi trước thuế; Pomina (POM) với -715 tỷ; Nam Kim (NKG) lỗ -476 tỷ và SM C với số lỗ là -217 tỷ đồng.

Điều đáng nói là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát đã dự đoán trước được bức tranh u tối của ngành thép trong khoảng thời gian này.  Cụ thể, Chủ tịch Long từng chia sẻ sau quý 1 thì những quý còn lại của năm nay ngành thép gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine làm giá than luyện tăng 100 - 200 USD/tấn. Thứ hai là việc Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "zero Covid" khiến nhu cầu thép tại thị trường này giảm, trong khi đây là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Hòa Phát.

Chu kỳ thoái trào của ngành thép có thể nhìn nhận từ trước khi diễn biến đồng pha với giá thép trên thế giới. Phần lớn các doanh nghiệp đạt đỉnh lợi nhuận vào cuối năm ngoái khi giá thép lập đỉnh. Bước sang năm 2022, giá thép đã có chiều hướng đi xuống khá nhanh. Giá bán trong nước đổ đèo rất nhanh với 15 lần giảm giá liên tiếp trong giai đoạn tháng 5-8, tức từ quanh 19 triệu đồng xuống dưới 15 triệu đồng/tấn và hiện đi ngang.

Trước áp lực từ nhu cầu yếu, các doanh nghiệp thép cũng nhanh chóng xử lý hàng tồn kho. Số dư hàng tồn kho của các công ty thép niêm yết chỉ còn khoảng 85.000 tỷ đồng, tức giảm 25.000 tỷ so với con số kỷ lục của quý liền trước.

Trong đó, Hòa Phát xả kho mạnh nhất với việc giảm gần 13.700 tỷ đồng so với đỉnh vào cuối quý trước. Với giá trị còn gần 44.000 tỷ đồng, Hòa Phát đang chiếm quá nửa trong tổng lượng tồn kho của doanh nghiệp thép niêm yết.

FLC, HNG, OIL và NVB là 4 cái tên còn lại trong Top 10 doanh nghiệp thua lỗ quý vừa qua

Về Tập đoàn FLC, Công ty bắt đầu báo tình hình kinh doanh bết bát kể từ khi cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết vướng vào vụ án liên quan đến thao túng giá cổ phiếu. 3 quý liên tiếp FLC ghi nhận mức lỗ từ 365 - 785 tỷ đồng.

Theo giải trình,  khoản lỗ từ mảng đầu tư vào hàng không, dịch vụ khách sạn góp phầnkhông nhỏ khiến cho FLC thua lỗ trong quý 3. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy tại ngày 30/9 năm nay, FLC đang góp 4.015 tỷ đồng vào công ty liên kết là CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) - tương đương 21,7% vốn của hãng bay này. Phần chia lỗ của FLC trong Bamboo Airways là 1.269 tỷ đồng, tương ứng với giá trị hợp lý còn lại là 2.746 tỷ đồng.

Ngoài ra, kết quả kinh doanh đi xuống còn do sự thay đổi các vị trí lãnh đạo chủ chốt và quá trình tái cấu trúc bộ máy cùng các mảng kinh doanh cốt lõi. 

CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (HNG) có quý thứ 7 liên tiếp với gần 416 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 181 tỷ đồng.

Nguyên nhân đến từ việc thiếu hụt lao động tại Lào, khiến sản lượng thu hoạch giảm 35% so với cùng kỳ, trong khi các loại chi phí tăng mạnh. Đồng thời, đồng LAK (tiền tệ Lào) tiếp tục mất giá so với USD (10%) và VNĐ (5%) tại ngày 30/09 buộc Công ty phải ghi lỗ chênh lệch tỷ giá thêm gần 142 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, bão số 4 Noru (từ ngày 28/9 - 3/10/2022) làm ngập lụt tại các vùng dự án của Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu (công ty con của HNG), gây thiệt hại tổng cộng 237 tỷ đồng.

Lũy kế 3 quý đầu năm 2022, HNG lỗ trước thuế và sau thuế lên tới 1.100 đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 303 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/9/2022 của Công ty là -4.512,8 tỷ đồng.

Về phía PV Oil (OIL), sau quý lãi kỷ lục, doanh nghiệp bất ngờ báo lỗ 371 tỷ vì do không còn hưởng lợi về giá. Giábán lẻ xăng dầu trong quý 3 liên tục đi xuống khiến lãi gộp của công ty giảm sâu.

Tuy lỗ lớn trong quý 3, OIL vẫn hoàn thành vượt 77% chỉ tiêu doanh thu và vượt gần 8% mục tiêu lợi nhuận với 79.617 tỷ đồng doanh thu, gấp 2,1 lần và hơn 431 tỷ đồng ãi sau thuế.

Cuối cùng là Ngân hàng NCB (NVB) lỗ ròng hơn 196 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn còn lãi gần 64 tỷ đồng. Tình hình suy giảm của quý vừa qua đã khiến lợi nhuận kinh doanh 3 quý đầu năm của ngân hàng này âm hơn 180 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 165 tỷ đồng.

Nguyên nhân thu nhập lãi thuần giảm và chi phí dự phòng rủi ro tăng bởi ngân hàng đã thực hiện thoái lãi dự thu, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện trích lập dự phòng theo phương án cơ cấu lại. Đồng thời, NCB cũng tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Đáng chú ý, đa số các ngân hàng đều giữ tỉ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 3%, song con số ở NCB lại tăng vọt lên 14,7%, tương đương cứ 100 đồng thì có 14,7 đồng nợ xấu.

Xem thêm các bài viết liên quan đến #Kết quả kinh doanh quý 3/2022 #báo cáo tài chính #kết quả kinh doanh #lợi nhuận sau thuế

Cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN): Lâu lâu lại tăng một nhịp, mỗi nhịp 7x%

Vietnam Airlines (HVN) ký hợp đồng hơn 11.200 tỷ đồng khai thác thị trường 1,4 tỷ dân, cổ phiếu ‘cất cánh'

Nóng: Cổ phiếu Novaland (NVL) được cấp lại margin

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/10-doanh-nghiep-niem-yet-lo-nang-nhat-quy-32022-hang-khong-dan-dau-thep-chiem-toi-50-156382.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
10 doanh nghiệp niêm yết lỗ nặng nhất quý 3/2022: Hàng không dẫn đầu, thép chiếm tới 50%
POWERED BY ONECMS & INTECH