Thế giới

12.700 nhân viên siêu thị bị sa thải, dư luận Hàn Quốc bức xúc

Đăng Đức 31/03/2025 14:44

Các nhà bán lẻ truyền thống lớn của Hàn Quốc, vốn là một nguồn cung việc làm quan trọng, đã cắt giảm nhân sự số lượng lớn kể từ đại dịch Covid-19 khi họ gặp khó khăn trong việc thích nghi với xu hướng mua sắm trực tuyến và chi phí lao động ngày càng tăng.

Ba nhà điều hành siêu thị lớn nhất của Hàn Quốc, bao gồm Lotte Shopping, Emart và Homeplus đã sa thải khoảng 12.700 nhân viên, tương đương 17% tổng số lao động của họ, trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2024, theo hồ sơ kỹ thuật số và dữ liệu đăng ký từ Cơ quan Hưu trí Quốc gia. Trong số đó, Lotte Shopping cắt giảm số lượng nhân viên lớn nhất tại các siêu thị, trung tâm thương mại và nền tảng trực tuyến của mình, tiếp theo là Emart và Homeplus.

>> Tập đoàn Lotte tìm cách thoát lỗ thông qua rao bán bất động sản

12.700 nhân viên siêu thị bị sa thải, dư luận Hàn Quốc bức xúc - ảnh 1
Khách hàng mua sắm tại chi nhánh Lotte Mart Seoul Station ở quận Jung, trung tâm Seoul, Hàn Quốc vào ngày 27/3/2025 - Ảnh: Yonhap

Việc sa thải nhân viên là một trong những vấn đề gây bức xúc lớn đối với công đoàn lao động của Homeplus, khi họ cáo buộc chủ sở hữu chuỗi siêu thị này, MBK Partners, đã cắt giảm nhân sự hàng loạt sau khi mua lại siêu thị, dẫn đến khối lượng công việc quá tải cho những nhân viên còn lại.

Homeplus lập luận rằng một số đợt cắt giảm nhân sự là không thể tránh khỏi do lượng khách hàng đến các cửa hàng giảm mạnh sau đại dịch Covid-19. Họ cũng nhấn mạnh rằng việc nhân viên tự nguyện nghỉ việc là điều phổ biến trong ngành bán lẻ và rằng công ty đã nỗ lực hết sức để tái bố trí nhân sự tại các chi nhánh phải đóng cửa. Những lập luận này được Homeplus đưa ra trong một cuộc họp báo vào ngày 14/3 vừa qua.

Dù vậy, vụ việc tại Homeplus vẫn thu hút sự chú ý đến những khó khăn của ngành bán lẻ khi phải cạnh tranh với các nền tảng thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và đối mặt với tâm lý tiêu dùng ảm đạm.

>> Lotte Group và bước đi đầy tham vọng tại Việt Nam

Một thay đổi đối với Đạo luật Phát triển Ngành Phân phối vào năm 2013 đã gây nhiều tranh cãi trong ngành bán lẻ ở Hàn Quốc – “nền kinh tế lớn thứ tư châu Á”.

Nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ, Chính phủ “xứ sở kim chi” đã ban hành quy định buộc các siêu thị phải đóng cửa 2 ngày mỗi tháng, chỉ được phép hoạt động từ 10 giờ sáng đến nửa đêm và không được mở cửa trong phạm vi 1km tính từ các chợ truyền thống.

Tháng 1 năm nay, Chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất bãi bỏ một số quy định này, bao gồm việc hủy bỏ yêu cầu đóng cửa bắt buộc và giới hạn giờ hoạt động. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được Quốc hội nước này thông qua. Trong khi đó, các luật mới nhằm thắt chặt hơn nữa những quy định vẫn đang được Đảng Dân chủ (DP) thúc đẩy tại Quốc hội.

Vào ngày 20/3, 10 nghị sĩ, bao gồm nghị sĩ Yoon Joon-byeong của DP, đã đề xuất một dự luật gia hạn lệnh cấm mở siêu thị lớn trong phạm vi 1km tính từ chợ truyền thống thêm 5 năm. Một đề xuất khác nhằm áp dụng quy định này đối với cả trung tâm thương mại, cửa hàng miễn thuế và các khu mua sắm cũng đã được đưa ra vào tháng trước.

12.700 nhân viên siêu thị bị sa thải, dư luận Hàn Quốc bức xúc - ảnh 2
Một biển báo tại một chi nhánh Emart ở quận Seocho, phía Nam Seoul, Hàn Quốc thông báo cho người mua sắm về ngày nghỉ của mình vào ngày 22/1/2024. Chính phủ đã bãi bỏ chính sách yêu cầu các siêu thị lớn đóng cửa vào hai ngày lễ mỗi tháng cùng một ngày. - Ảnh: Yonhap

Những doanh nghiệp trong ngành bán lẻ Hàn Quốc cho rằng các quy định này đã kìm hãm sự phát triển của ngành. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các doanh nghiệp nhỏ, chẳng hạn như nhà hàng gần siêu thị, đã chứng kiến lượng khách sụt giảm, trong khi mục tiêu ban đầu là bảo vệ các chợ truyền thống và khu mua sắm lại không đạt được. Hơn 30% trong số 229 chính quyền địa phương đã chuyển ngày đóng cửa bắt buộc sang các ngày trong tuần thay vì cuối tuần.

Những người phản đối quy định giới hạn giờ hoạt động lập luận rằng điều này tạo ra sự bất công cho các cửa hàng truyền thống, trong khi các nền tảng trực tuyến vẫn có thể bán và giao hàng suốt 24/7. Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, mua sắm trực tuyến đã chiếm 50,6% tổng doanh thu thương mại nội địa trong năm ngoái, tăng mạnh so với mức 32,4% vào năm 2017.

“Một số chính quyền địa phương đang cạnh tranh để thu hút các nhà bán lẻ lớn như siêu thị và trung tâm thương mại nhằm hồi sinh các khu thương mại địa phương, vì đây là những mô hình hiệu quả trong việc thu hút khách hàng”, một nhân vật giấu tên trong ngành bán lẻ tiết lộ với tờ JoongAng Ilbo – trực thuộc nhật báo Korea JoongAng Daily. “Thật bức xúc khi những rào cản này vẫn còn tồn tại”.

Theo Korea JoongAng Daily

>> Lo cạn kiệt dân số, huyện ​ít dân nhất Hàn Quốc muốn mở cửa cho người tị nạn Myanmar

Cảnh sát bắt giữ người đàn ông bị nghi gây ra vụ cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử Hàn Quốc

Cựu Hoa hậu Hàn Quốc có con nuôi người Việt Nam: Từng đảm nhận vai mẹ của nam thần Lee Min Ho, cuộc sống giàu sang đáng ngưỡng mộ, U60 vẫn đẹp không góc chết

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/12700-nhan-vien-sieu-thi-bi-sa-thai-du-luan-han-quoc-buc-xuc-139358.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    12.700 nhân viên siêu thị bị sa thải, dư luận Hàn Quốc bức xúc
    POWERED BY ONECMS & INTECH