12 DN tôn mạ và ống thép (NKG, HSG…) ‘bóc mẽ’ Hòa Phát vụ ‘tuyên chiến’ với thép Trung Quốc, yêu cầu bác bỏ tư cách nguyên đơn

11-04-2024 12:32|Hải Băng

12 doanh nghiệp (DN) cho rằng hành động khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ nhằm chuộc lợi cho Hòa Phát. Bên cạnh đó, nhiều ngành khác có nguy cơ bị Trung Quốc trả đũa thương mại.

Phản ứng trước vụ Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, vào ngày 10/4 tập thể 12 doanh nghiệp (DN) tôn mạ và ống thép trong nước gửi công văn lập luận lần 3 lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại, Hội Nhà báo Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Thép Việt Nam.

Tập thể 12 DN gồm: Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Thép TVP, Tôn Đông Á (GDA), Thép Nam Kim (NKG), Tôn Phương Nam, Tôn Pomina, Thép Vina One, Thép Việt Nhật, Kim khí Nam Hưng, Thép Bình Dương, Công ty TNHH Sản xuất Lê Phan Gia Bình Dương, Thép Việt Thành Long An.

12 DN tôn mạ và ống thép (NKG, HSG…) ‘bóc mẽ’ Hòa Phát vụ ‘tuyên chiến’ với thép Trung Quốc, yêu cầu bác bỏ tư cách nguyên đơn
Thép cuộn cán nóng (HRC) là sản phẩm đầu ra của Hòa Phát nhưng là nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép

12 DN cho rằng Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Hòa Phát không đủ tư cách pháp lý để nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong văn bản gửi cơ quan ban ngành, 12 DN cung cấp bằng chứng cho thấy 5 công ty con của Hòa Phát đang nhập khẩu các mác thép HRC từ Trung Quốc, mà các mác thép HRC này hoàn toàn nằm trong năng lực sản xuất của Hòa Phát, cũng như Hòa Phát đang bán các mác thép HRC này tại cả thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu.

12 DN tôn mạ và ống thép (NKG, HSG…) ‘bóc mẽ’ Hòa Phát vụ ‘tuyên chiến’ với thép Trung Quốc, yêu cầu bác bỏ tư cách nguyên đơn
Các công ty con của HPG cũng đang nhập khẩu HRC từ Trung Quốc

Như vậy, Tập đoàn Hòa Phát và/hoặc các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát đang làm đồng thời 5 việc: (1) nhập khẩu HRC từ Trung Quốc; (2) nộp đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá chính sản phẩm HRC mà các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát đang nhập khẩu từ Trung Quốc; (3) sản xuất HRC mà các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát đang nhập khẩu từ Trung Quốc; (4) bán HRC tại thị trường nội địa; (5) bán HRC tại thị trường xuất khẩu.

Các doanh nghiệp cho rằng, hành động nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ hướng đến mục đích duy nhất là làm tăng giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam, từ đó tăng vị thế thống lĩnh thị trường để tăng giá bán HRC nội địa, dẫn đến tối đa hóa lợi nhuận cho Tập đoàn Hòa Phát và/hoặc các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát, không phải để bảo vệ cho ngành sản xuất HRC nội địa, bất chấp các tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam nói riêng và các ngành nghề khác nói chung, đặc biệt là ngành nông lâm thủy hải sản trước nguy cơ bị Trung Quốc trả đũa thương mại, và những hệ lụy tiêu cực có thể xảy ra cho nền kinh tế - xã hội Việt Nam.

Tập thể 12 DN trích dẫn 1 số điều trong Luật Quản lý Ngoại Thương số 05/2017/QH14 và Hiệp định Chống bán phá giá WTO yêu cầu bác bỏ tư cách nguyên đơn của Tập đoàn Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát trong việc nộp đơn yêu cầu khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo Khoản 1, Điều 70, Luật Quản lý Ngoại Thương số 05/2017/QH14:

“Tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước có quyền nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong trường hợp nhận thấy hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá, được trợ cấp hoặc nhập khẩu quá mức gây ra thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.”

Khoản 1, Điều 69 của Luật Quản lý Ngoại Thương số 05/2017/QH14 định nghĩa “ngành sản xuất trong nước” như sau:

“Ngành sản xuất trong nước là tập hợp các nhà sản xuất hàng hóa tương tự trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc đại diện của họ chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng hàng hóa của ngành đó được sản xuất trong nước. Trong trường hợp nhà sản xuất trong nước trực tiếp nhập khẩu hàng hóa bị điều tra hoặc có mối quan hệ với các nhà xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bị điều tra thì nhà sản xuất này có thể không được xem là nhà sản xuất trong nước.”

>> 9 công ty (Hoa Sen, Nam Kim, Pomina,...) đồng loạt bảo vệ thép Trung Quốc ngay sau khi Hòa Phát, Formosa gửi 'chiến thư'

Bộ Công Thương phản hồi vụ Hòa Phát và Formosa khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép Trung Quốc

Hòa Phát (HPG): Sản lượng thép sản xuất quý I/2024 tăng 70% svck, dự án Dung Quất 2 đã hoàn thành 50% tiến độ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/12-dn-ton-ma-va-ong-thep-nkg-hsg-boc-me-hoa-phat-vu-tuyen-chien-voi-thep-trung-quoc-yeu-cau-bac-bo-tu-cach-nguyen-don-230333.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    12 DN tôn mạ và ống thép (NKG, HSG…) ‘bóc mẽ’ Hòa Phát vụ ‘tuyên chiến’ với thép Trung Quốc, yêu cầu bác bỏ tư cách nguyên đơn
    POWERED BY ONECMS & INTECH