18 mã cổ phiếu bị hủy niêm yết, 70 doanh nghiệp rời TTCK từ đầu năm

11-09-2022 13:13|Trần Trung

Chuyên gia chứng khoán nhận định, khi cổ phiếu bị hủy niêm yết và về UPCoM, cổ đông sẽ không thể tiếp cận được nhiều thông tin quan trọng.

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), từ đầu năm 2022 tới nay, có 18 doanh nghiệp hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE và HNX và chuyển xuống sàn UPCoM.

Đáng chú ý, có tới hơn 70 doanh nghiệp bị huỷ tư cách công ty đại chúng và rời khỏi thị trường chứng khoán trong đó trường hợp mới nhất là 12,9 triệu cổ phiếu VKD của CTCP Nước khoáng Khánh Hòa (dự kiến hủy ngày 22/9).

Dẫn nguồn TTXVN, trả lời báo chí về vấn đề hủy niêm yết cổ phiếu, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á cho biết, về mặt nguyên tắc, doanh nghiệp bị hủy niêm yết có nhiều lý đo trong đó chủ yếu là các trường hợp vi phạm quy định công bố thông tin, kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tiếp,...

Thường thì khi cổ phiếu có nguy cơ bị hủy niêm yết, giá cổ phiếu lao dốc và sẽ phản ánh gần hết giá trị nội tại của doanh nghiệp. Như vậy, cổ phiếu hủy niêm yết trên HNX và HOSE chuyển sang UPCoM sẽ không gây ra thiệt hại quá lớn cho nhà đầu tư.

Ngày 5/9 vừa qua, HOSE đã chính thức hủy niêm yết bắt buộc đối với hơn 567 triệu cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros do các vi phạm về công bố thông tin (BCTC, ĐHCĐ,...).

Ghi nhận của người viết trên một số diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư tỏ ra hào hứng với việc cổ phiếu ROS khi về UPCoM sẽ có biên độ tăng mạnh hơn có thể giúp nhà đầu tư lãi đậm hơn. Tuy nhiên, thông báo của HNX cho biết ROS chưa thể giao dịch trên UPCoM do chưa khắc phục được các lỗi vi phạm đang tồn tại.

Cùng với HOSE, 5 mã cổ phiếu khác gồm: Hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines; 34,7 triệu cổ phiếu UDC của CTCP Xây dựng và Phát triển Đô thị Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; 8 triệu cổ phiếu HOT của CTCP Du lịch Dịch vụ Hội An; 45 triệu cổ phiếu AST của CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco và 10 triệu cổ phiếu HU1 của CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD1 mới đây cũng đã bị HOSE thông báo về khả năng hủy niêm yết với quan ngại các doanh nghiệp này thua lỗ 3 năm liên tiếp.

Ngoài ra, 710 triệu cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC và gần 183 triệu cổ phiếu HAI của CTCP Nông dược H.A.I (trên sàn HOSE) hay 7,1 triệu cổ phiếu KDM của CTCP Tập đoàn GCL và gần 11,5 triệu cổ phiếu BLF của CTCP Thủy sản Bạc Liêu (trên sàn HNX) cũng vừa/sắp bị đình chỉnh giao dịch trên các sàn niêm yết đồng thời hiện hữu nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Theo CEO Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, khi chuyển niêm yết sang UPCoM, cổ đông sẽ không tiếp cận được nhiều thông tin về doanh nghiệp do đó không thể tường tận việc doanh nghiệp hoạt động ở trạng thái nào bởi thị trường UPCoM có yêu cầu về mức độ công bố thông tin và báo cái tài chính thấp.

Tuy nhiên, ông Tuấn nhấn mạnh vẫn có nhiều doanh nghiệp khi chuyển sang sàn này cổ phiếu lại tăng giá.

“Phải tìm hiểu rằng đầu tư cổ phiếu theo tiêu chí nào, nếu không xác định rõ được thì tốt nhất là nên cắt lỗ cổ phiếu bị hủy niêm yết. Nếu xác định rằng những vấn đề khiến doanh nghiệp phải hủy niêm yết và chuyển sàn không quá nghiêm trọng có thể làm doanh nghiệp phải phá sản thì vẫn còn hy vọng để nhà đầu tư chờ đợi”, ông Tuấn khuyến nghị.

8 mã chứng khoán - gần 3,3 tỷ cổ phiếu có nguy cơ bị hủy niêm yết trên HOSE

Vụ FLC: Truy tố 51 người

Cho từ chức Tổng Giám đốc và thành viên HĐTV Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSDC)

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/18-ma-co-phieu-bi-huy-niem-yet-70-doanh-nghiep-roi-bo-ttck-tu-dau-nam-148160.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    18 mã cổ phiếu bị hủy niêm yết, 70 doanh nghiệp rời TTCK từ đầu năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH