2 dự án cảng biển tại phía Nam của Gemadept (GMD) đón tin vui
Hai cảng của Gemadept tại khu vực Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (trước sáp nhập) tạm thời chưa bị áp phí hạ tầng cảng biển sau sáp nhập vào TP. HCM, tạo lợi thế chi phí cho doanh nghiệp.
Ngày 17/7/2025, Sở Tài chính TP. HCM cho biết việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (gọi tắt là phí hạ tầng cảng biển) hiện chỉ được áp dụng trong phạm vi địa giới hành chính TP. HCM trước sáp nhập, theo Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND và Nghị quyết 07/2022/NQ-HĐND của HĐND TP. HCM.
![]() |
TP. HCM (mới) chưa thu phí các cảng biển khu vực Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu trước sáp nhập (Ảnh minh họa) |
Cụ thể, mức phí đang áp dụng tại các cảng biển của TP. HCM trước sáp nhập được phân loại theo từng loại hàng hóa, hình thức vận chuyển và khối lượng, với mức cao nhất là 4,4 triệu đồng/container 40 feet đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh. Mức thấp nhất là 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời.
Sở Tài chính TP. HCM cho biết HĐND tỉnh Bình Dương và HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa ban hành nghị quyết về việc thu phí hạ tầng cảng biển.
Theo quy định tại điểm d, khoản 20, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc thu phí hạ tầng cảng biển hiện chỉ có hiệu lực trong phạm vi địa giới hành chính TP. HCM, chưa mở rộng sang địa bàn Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu dù đã sáp nhập vào TP. HCM.
Sở Tài chính TP. HCM đang tham mưu UBND Thành phố giao Sở Xây dựng rà soát, xây dựng Đề án thu phí thống nhất áp dụng trên toàn địa bàn TP. HCM (sau sáp nhập) để trình HĐND Thành phố ban hành theo quy định.
Theo Quyết định 318/QĐ-BXD năm 2025 công bố Danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam, cả nước hiện có 306 bến cảng. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 48 bến cảng, đứng thứ hai cả nước về số lượng, nổi bật với cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải – cụm cảng duy nhất ở miền Nam có thể tiếp nhận tàu mẹ trực tiếp đi châu Âu và châu Mỹ mà không cần trung chuyển.
Riêng Bình Dương được thống kê chỉ có 1 bến cảng tổng hợp Bình Dương, còn lại chủ yếu là các cảng sông nội địa, cảng cạn, đóng vai trò trung chuyển hàng hóa đến các cảng biển lớn hơn. Số lượng bến cảng biển không đáng kể.
Trong số các doanh nghiệp niêm yết, Gemadept (HoSE: GMD) là cái tên hiếm hoi có liên quan đến hoạt động cảng biển tại cả 2 khu vực này: Cảng Bình Dương và Gemalink.
![]() |
Cảng Gemalink của Tập đoàn Gemadept |
Cảng Bình Dương, thuộc CTCP Cảng Bình Dương – đơn vị thành viên của Tập đoàn Gemadept, là cảng ICD quốc tế duy nhất tại khu vực này với công suất khoảng 200.000 TEU/năm.
Trong khi đó, cảng Gemalink (vốn đầu tư khoảng 600 triệu USD) hiện là cảng nước sâu có quy mô lớn nhất tại khu vực Cái Mép - Thị Vải. Dự án này do liên doanh giữa Gemadept và CMA Terminals – công ty thành viên của hãng tàu CMA CGM (Pháp) – đầu tư. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, tổng công suất thiết kế của cảng sẽ đạt 3 triệu TEU – cao nhất trong số các cảng lớn tại Đông Nam Á.
Trong báo cáo mới đây, ACBS Research kỳ vọng dự án Gemalink 2 sẽ được khởi công trong 6 tháng đầu năm 2026 và hoàn thành vào cuối năm 2027. Giai đoạn 2A của dự án (công suất 600.000 TEU/năm) dự kiến đi vào vận hành trong nửa cuối năm 2027, đóng góp cho Gemadept dưới hình thức lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết.
>> Cảng nước sâu quy mô 600 triệu USD của Gemadept (GMD) chính thức được đón siêu tàu container