2 dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam gặp khó
Địa phương đang tích cực gỡ vướng mắc, khó khăn để nhanh chóng triển khai dự án theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Theo báo Đầu Tư, Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo Quyết định số 794/QĐ-TTg ngày 8/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án di dân, tái định cư phục vụ các nhà máy điện hạt nhân tại Khánh Hòa, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi để thực hiện hai dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 là hơn 1.279,5ha, liên quan đến 1.288 hộ dân.

Tuy nhiên, kết quả rà soát thực tế của các địa phương cho thấy diện tích cần thu hồi là hơn 1.130,4ha, ảnh hưởng đến 1.153 hộ. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã hoàn tất công tác kiểm kê, đang tiến hành xác minh nguồn gốc đất, giải quyết tranh chấp đất đai và tài sản trên đất đối với các khu vực xây dựng nhà máy, khu tái định cư và khu chỉnh trang dân cư. Riêng khu tái định canh đã hoàn thành kiểm kê và phê duyệt giá đất cụ thể để làm căn cứ bồi thường.
Tuy vậy, công tác giải phóng mặt bằng vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội thông qua từ năm 2009 nên một số nội dung về tổng mức đầu tư, tiến độ và lộ trình thực hiện không còn phù hợp. Bên cạnh đó, diện tích đất thu hồi thực tế có sự điều chỉnh: khu tái định cư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 dự kiến tăng thêm 26,55ha so với phê duyệt trước, khu tái định cư Nhà máy Ninh Thuận 2 tăng thêm 9,4ha.
>> Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam

Ngoài ra, ranh giới giải phóng mặt bằng cũng có thay đổi. Quyết định số 6070/QĐ-BCT ngày 17/6/2015 của Bộ Công Thương quy định vùng cách ly tính từ hàng rào nhà máy là 500m, nhưng theo văn bản số 902/BKHCN-VNLNT ngày 17/4/2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ, khu vực cấm dân cư phải có ranh giới tối thiểu 1km ngoài hàng rào nhà máy. Vấn đề kinh phí thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cũng đang được xem xét bổ sung.
Tại cuộc họp trực tuyến mới đây với lãnh đạo xã Phước Dinh và xã Vĩnh Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng đề nghị các địa phương bám sát chỉ đạo của tỉnh, thống nhất cách triển khai, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan sớm bàn giao hồ sơ để địa phương có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Trong khi chờ chỉ đạo mới từ Chính phủ, việc thu hồi đất vẫn được thực hiện. Phó chủ tịch UBND tỉnh lưu ý lãnh đạo hai xã cần kiểm tra kỹ nguồn gốc đất tại khu vực dự án, đẩy nhanh công tác kiểm kê, niêm yết diện tích đất bị thu hồi của người dân, đảm bảo hoàn thành thủ tục trong tháng 8/2025 để đủ điều kiện chi trả tiền bồi thường. Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao sắp xếp nhân sự, tăng cường cán bộ chuyên môn hỗ trợ hai xã trong công tác giải phóng mặt bằng.
>> Dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam cần 3.200 tỷ giải phóng mặt bằng
Tăng tốc giải phóng mặt bằng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Một địa phương xin ứng trước tiền để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam