Đến thời điểm hiện tại, mùa công bố báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2022 đã sắp bước vào hồi kết. Với riêng nhóm thép, sau đà lao dốc lợi nhuận từ đỉnh kể từ đầu năm 2021, hầu hết doanh nghiệp ngành này đã trải qua ít nhất một kỳ kinh doanh thua lỗ.
Từ những doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát, Hoa Sen,... đến những doanh nghiệp nhỏ hơn, năm 2022 có thể được coi là năm kinh doanh "thất bát" khi người báo lỗ kẻ lãi "còi".
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long |
Thép lớn đồng loạt lỗ quý 4, nhiều doanh nghiệp "ngã ngựa" năm 2022
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã HPG - HOSE) cuối tháng 1/2023 đã công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022 với doanh thu đạt 26.000 tỷ đồng - giảm 42% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế âm gần 2.000 tỷ đồng - mức lỗ nặng nhất trong lịch sử hoạt động của tập đoàn đồng thời vượt ngoài dự phóng của một số công ty chứng khoán đưa ra trước đó
Lũy kế năm 2022, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 142.000 tỷ đồng - giảm 5% so 2021; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 8.400 tỷ đồng - chỉ bằng 24% so với năm 2021 và là mức thấp nhất trong 3 năm COVID-19 (từ 2020 đến nay).
Tương tự, ông lớn ngành tôn mạ là Tập đoàn Hoa Sen (Mã HSG - HOSE) cũng báo lỗ ròng 680 tỷ đòng trong quý 1 niên độ 2022 - 2023 (từ ngày 1/10/2022 đến 31/12/2022) dù đạt doanh thu thuần 7.917 tỷ đồng.
Xếp ngay sau Hòa Phát và Hoa Sen về mức độ thua lỗ, CTCP Ðầu tư Thương mại SMC (Mã SMC - HOSE) ghi nhận doanh thu thuần quý 4/2022 đạt 4.204 tỷ đồng - giảm 32% YoY. Việc kinh doanh dưới giá vốn cùng gánh nặng chi phí khiến công ty báo lỗ 515 tỷ đồng trong kỳ; đây cũng là khoản lỗ quý kỷ lục doanh nghiệp này từng ghi nhận kể từ khi hoạt động.
Tính chung cả năm, SMC đạt 23.152 tỷ đồng doanh thu - tăng 9% so với năm 2021; lợi nhuận thuần sau thuế chuyển âm 645 tỷ trong khi cùng kỳ lãi 901 tỷ qua đó chính thức tái lỗ sau 7 năm.
Ngoài ra, các tên tuổi khác trong ngành như Thép Pomina (POM), VNSteel (Mã TVN), Thép Nam Kim (NKG), Thép Tiến Lên (TLH),... cũng báo lỗ ròng lần lượt 461 tỷ, 406 tỷ, 356 tỷ và 114 tỷ đồng,...
Trong số này, HPG, HSG, SMC, NKG, TIS đều đã có 2 quý lỗ ròng liên tiếp trong nửa cuối năm 2022 trong khi POM và TVN lỗ quý thứ 3 liên tiếp còn TLH lần đầu lỗ quý trong năm.
Gần 308.000 tỷ doanh thu được tạo ra năm 2022, lãi ròng thu về chỉ hơn 8.000 tỷ
Tính chung cả năm 2022, tất cả các doanh nghiệp ngành thép đều không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm. Chỉ tính riêng 8 doanh nghiệp lớn nhất, nhóm này đã ghi nhận tổng cộng gần 308.000 tỷ đồng doanh thu trong đó riêng doanh thu của Tập đoàn Hòa Phát đã chiếm tới hơn 46% tỷ trọng.
Dù doanh thu không biến động quá lớn so với năm trước đó song ngoại trừ TLH, HPG và HSG thoát nẹn nhờ khoản thu tương đối trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp còn lại như POM, TVN, SMC, NKG, TIS đều báo lỗ trong đó NKG thậm chí báo lỗ trở lại sau 10 năm.
Tổng lợi nhuận sau thuế của Top 8 doanh nghiệp đầu ngành tôn/thép năm 2022 chỉ vỏn vẹn 8.703 tỷ đồng (phần lớn là lãi của Hòa Phát) - chỉ nhỉnh hơn chút so với khoản lãi 8.700 tỷ đồng của riêng HPG trong quý 1/2022. Cộng gộp, biên lãi ròng của nhóm trong năm qua chỉ đạt vỏn vẹn 2,8%.
Chi phí tăng mạnh "bào mòn" lợi nhuận
Nhìn vào kết quả trên, có thể thấy khó khăn với ngành thép trong năm qua là thực sự lớn với nhiều áp lực bao gồm gánh nặng chi phí tài chính từ việc lãi suất/tỷ giá tăng, gánh nặng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho,...
Tính đến hết ngày 31/12/2022, về cơ bản, nợ phải trả của đa số doanh nghiệp thép đều đã giảm so với quý trước đó trong đó với "anh cả" ngành thép Hòa Phát, tập đoàn đã thanh toán hơn 13.200 tỷ đồng nợ so với thời điểm cuối năm 2021 và hiện chỉ còn mức 74.222 tỷ đồng. Tuy nhiên, áp lực về lãi suất cũng như biến động tỷ giá USD khiến các khoản chi phí lãi vay của doanh nghiệp tăng lên từng quý trong đó quý 4/2022 phải chi tới 932 tỷ đồng để trả lãi vay - tăng tới 56% so với quý 1 cùng năm.
Dễ thấy phân nửa nợ phải trả của doanh nghiệp thép đến từ vay nợ tài chính (thông qua ngân hàng, vay cá nhân, trái phiếu,..) có thể kể đến có thể kể đến Hòa Phát (tỷ lệ 78%), Pomina (73%), Thép Tiến Lên (68%), Nam Kim (63%) hay SMC (54%). Trong cơ cấu vay nợ tài chính, nợ ngắn hạn chiếm phần lớn trong cơ cấu nợ vay.
Năm 2022, dưới động của lãi suất, chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp trong quý 4 thấp chí đã tăng từ 2 - 3 lần so với quý 1. Tính chung, Top 8 doanh nghiệp đầu ngành thép đã phải chi tổng cộng gần 4.900 tỷ đồng cho khoản chi phí lãi vay trong năm này trong đó 63% chi phí đến từ Tập đoàn Hòa Phát.
Gánh nặng tồn kho vơi đi phần nào
Đồng pha diễn biến giảm nợ, đến quý 4/2022, giá trị hàng tồn kho của nhóm doanh nghiệp thép cũng giảm đáng kể so với thời điểm giữa năm qua đó giúp gánh nặng trích lập dự phòng cũng vơi đi phần nào.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tồn kho toàn ngành thép tại thời điểm cuối năm 2022 ước tính giảm khoảng 20.000 tỷ so với cuối quý 3, xuống còn khoảng 66.000 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 7 quý trở lại đây.
Trước đó, tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép tại thời điểm 30/9/2022 ước tính giảm 25.000 tỷ so với con số kỷ lục cuối quý 2 cùng năm còn khoảng 85.000 tỷ đồng.
Lũy kế nửa sau của năm 2022, tồn kho toàn ngành thép đã giảm khoảng 45.000 tỷ đồng về còn 66.000 tỷ - mức thấp nhất trong 7 quý trở lại đây.
Đứng đầu trong số các doanh nghiệp thép xả kho trong quý này là “anh cả” Hòa Phát (HPG) với lượng tồn kho giảm gần 9.400 tỷ đồng so với đỉnh vào cuối quý trước. song vẫn còn gần 34.500 tỷ đồng (đã bao gồm trích lập dự phòng giảm giá 1.236 tỷ đồng).
Các tên tuổi lớn khác của ngành thép cũng tiếp tục xả kho mạnh như Hoa Sen Group (HSG), Thép Nam Kim (NKG), VNSteel (TVN), Pomina (POM) với sản lượng hàng nghìn tỷ sau quý vừa qua.
Tình chung, so với con số kỷ lục cuối quý 2/2022, phần lớn các doanh nghiệp thép hàng đầu đã giảm khoảng 40 - 70% giá trị tồn kho, ngoại trừ Nam Kim và Thép Tiến Lên.
Mặc dù vậy, gánh nặng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đến thời điểm 31/12/2022 vẫn còn tương đối lớn với nhóm thép đặc biệt là các doanh nghiệp top đầu. Với riêng Hòa Phát, tập đoàn đã phải trích lập tới 1.236 tỷ đồng giảm giá hàng tồn kho - tăng tới 6,6 lần so với mức 187 tỷ trong quý 1/2022. Trong khi đó, các doanh nghiệp khác như Hoa Sen, Nam Kim, VNSteel hay SMC cũng đang ghi nhận các khoản trích lập dự phòng từ 100 - 650 tỷ đồng).
Ngành thép còn "khó" nửa đầu năm 2023
Đầu năm 2023, xuất khẩu thép của Hòa Phát đón tín hiệu vui với nhiều đơn hàng xuất khẩu tới các thị trường khu vực châu Mỹ, châu Á và châu Úc như: Mỹ, Canada, Mexico, Puerto Rico, Úc, Malaysia, Hồng Kong, Campuchia,… Dù tiếp tục phá đáy lợi nhuận nhưng Hòa Phát lại tỏ ra khá lạc quan với tình hình ngành thép.
Thị trường thép cũng đang có dấu hiệu ấm dần lên khi sản lượng bán thép của Hòa Phát đã tăng trở lại trong tháng 12/2022 sau nhiều tháng sụt giảm trước đó trong bối cảnh một lò cao ở Hải Dương đã hoạt động trở lại.
Theo VSA nhận định, sau một thời gian dài liên tục lao dốc trước hàng loạt sức ép từ vĩ mô đến bài toán về nhu cầu, giá sắt thép trên thế giới đã bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi trong khoảng 2 tháng trở lại đây. Biến động của thị trường vẫn còn tiềm ẩn, song tín hiệu tích cực hứa hẹn sẽ thổi một làn gió mới cho ngành sắt thép trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Giá than, nguyên vật liệu quan trọng nhất trong luyện thép đã quay đầu giảm mạnh sau thời gian dài neo cao vùng đỉnh. Điều này có thể sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận của ngành thép thời gian tới.
Tuy nhiên, tốc độ hồi phục được dự báo sẽ khá chậm. Theo dự báo của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), nhu cầu thép toàn cầu ước tính sẽ chỉ nhích nhẹ 1% trong năm 2023 và đạt 1.815 triệu tấn.
Giới chuyên môn dự báo, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp nối lại hoạt động xây dựng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, nhu cầu thép xây dựng phục hồi nhưng sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc có thể vẫn yếu do doanh thu bán nhà ở mới giảm kể từ nửa cuối năm 2021. Tuy vậy, ít có khả năng giá thép tăng mạnh.
Cùng với đó, nhu cầu yếu ở Việt Nam cũng có thể gây khó khăn cho các nhà sản xuất trong việc tăng giá lên mức tương đương với giá trong khu vực.
Với đà phục hồi của Trung Quốc hay sự nổi lên của thị trường Ấn Độ, ngành thép Việt Nam trong năm 2023 được dự báo sẽ còn gặp nhiều thách thức. Trong khi đó, việc thị trường bất động sản bỏ ngỏ khả năng sôi động trở lại hay chuyên giải ngân vốn đầu tư công cũng khó có thể giúp ngành thép khởi sắc trong một sớm một chiều.
Sếp Hòa Phát: Chúng tôi hoàn toàn đủ năng lực cung cấp thép cho dự án đường sắt tốc đọ cao Bắc - Nam