Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, để đạt kế hoạch đề ra cần giải ngân 247 nghìn tỷ đồng trong tháng cuối năm.
Thông cáo báo chí của VPCP cho biết: Ngày 27/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương về kiểm điểm, đánh giá tình hình, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Cùng tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị đánh giá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, khẩn trương chỉ đạo sát sao công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.
Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2023 của Chính phủ đã xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành 8 nghị quyết, 1 chỉ thị, 6 công điện, văn bản để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải tập trung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải ngân đầu tư công ngay từ tháng 2/2023; các cuộc họp Thường trực Chính phủ, Phiên họp Chính phủ thường kỳ đều có nội dung về đầu tư công.
Đồng thời, duy trì hoạt động của 5 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ; lập 26 đoàn công tác do Thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn.
Các tổ công tác đã làm việc với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp trên tinh thần tháo gỡ những "nút thắt", "điểm nghẽn", đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công.
Về kết quả đạt được, giải ngân đến hết tháng 10/2023 đạt gần 389,7 nghìn tỷ (55,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), tăng 3,68% và tăng trên 99 nghìn tỷ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.
Ước giải ngân đến hết tháng 11/2023 đạt gần 461 nghìn tỷ (65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), cao hơn 6,77% và cao hơn 122,6 nghìn tỷ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có những bộ, ngành, địa phương đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt như Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Hội Nhà báo Việt Nam (100%), Hội Luật gia Việt Nam (92,76%), Văn phòng Quốc hội (83,61%), Hội Nhà văn Việt Nam (81,6%), Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (74,74%), Bình Dương (113,4%), Long An (112,7%), Bà Rịa Vũng Tàu (106,84%), Tiền Giang (101,42%), Đồng Tháp (100,82%), Hải Phòng (99,83%).
Theo vùng, các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đồng bằng sông Hồng có tỉ lệ giải ngân bình quân cao (lần lượt là 82,25% và 73,87%).
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo về thực trạng tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình, đặc biệt là tập trung phân tích nguyên nhân khiến giải ngân thấp ở một số đơn vị.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, có 21/52 bộ, cơ quan Trung ương và 30/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn gần 16,2 nghìn tỷ đồng.
Có 43 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Đến hết tháng 11, bình quân các bộ, cơ quan, địa phương này chỉ đạt tỉ lệ giải ngân khoảng 44%, thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước (65,1%), trong đó 15 bộ, cơ quan Trung ương chỉ giải ngân được dưới 15%, 8 địa phương giải ngân dưới 50%.
Còn nhiều dự án lớn, trọng điểm quốc gia còn chậm tiến độ, bố trí kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư chậm. Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách chưa tốt, chưa sát với thực tiễn, khả năng thực hiện, còn dàn trải, bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chưa phù hợp, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần; còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu thi công một số dự án còn hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự sát sao, quyết liệt, kịp thời.
Theo Thủ tướng, vướng mắc trong tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất, chủ yếu là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư,... dẫn đến chậm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thi công.
Sau khi phân tích các nguyên nhân chủ quan và khách quan, Thủ tướng nêu rõ, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách nhà nước năm 2023, trong khi khối lượng giải ngân còn khá lớn (còn khoảng 247 nghìn tỷ đồng).
Thủ tướng đề nghị mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu, cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm với dân với nước để "không cần phải họp nhiều mà công việc vẫn chạy", phát huy tinh thần vượt khó, lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao năm 2023.
Nhóm cổ phiếu xây dựng- đầu tư công nổi sóng
Hòa cùng thị trường chung, phiên sáng ngày 4/12/2023, nhóm cổ phiếu xây dựng- đầu tư công bùng nổ với thanh khoản lớn kèm đà tăng mạnh.
Diễn biến phiên sáng, các cổ phiếu đầu ngành như VCG (+4,85%), LCG (+4,18%), HUT (+5,13%), FCN (+3,97%), HHV (+4,10%), CII (+3,85%)…
Xem thêm: EVF: Tăng gần 70% thị giá trong 1 tháng, nhận về hơn 3800 tỷ đồng tiền mặt
Bitcoin vượt mốc 40.000 USD, tổng thống El Salvador liệu đã về bờ?
Hàng trăm triệu USD bị rút khỏi quỹ lớn nhất của Dragon Capital