3 động lực - 4 trở lực cho triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2023

09-12-2022 11:55|Thanh Long

Du lịch quốc tế phục hồi mạnh mẽ; hoạt động giải ngân vốn đầu tư công có thể được đẩy mạnh;... được kỳ vọng trở thành đòn bẩy kinh tế vĩ mô trong năm 2023. Tuy nhiên, vẫn còn đó những trở lực từ lạm phát, lãi suất và tỷ giá.

CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã VND - HOSE) cách đây ít ngày đã công bố Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023 với chủ đề "Đầu tư có trách nhiệm - Xây tương lai bền vững" dài 200 trang. Một trong những nội dung đáng chú ý là việc "xung lực tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể sẽ chậm lãi trong bối cảnh một số đầu kéo tăng trưởng đang chậm, vài ẩn số khó dự báo".

3 động lực

Du lịch quốc tế phục hồi mạnh mẽ: Kể từ ngày 15/2/2022, Việt Nam dỡ bỏ hạn chế tần suất các chuyến bay quốc tế và khôi phục chính sách thị thực như trước đại dịch. Đến ngày 15/5/2022, Việt Nam dừng yêu cầu xác nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 đối với hành khách quốc tế và nối lại hoàn toàn hoạt động hàng không quốc tế.

Nhìn chung, hầu hết các quốc gia đều đã gỡ bỏ các yêu cầu nhập cảnh liên quan đến phòng chống COVID-19, tuy nhiên yếu tố tiêu cực nhất đối với sự phục hồi của du lịch Việt Nam là chính sách Zero-COVID của Trung Quốc khi mà việc đến và đi từ Trung Quốc vẫn bị hạn chế nghiêm ngặt. Trước COVID-19, lượng du khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019.

Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng lượng khách du lịch đến Việt Nam từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á tiếp tục phục hồi tích cực trong năm 2023.

Sự phục hồi mạnh mẽ hơn của lượng khách du lịch quốc tế sẽ củng cố sự phục hồi của ngành dịch vụ trong năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng nhu cầu nội địa có thể giảm tốc do tác động của lạm phát và lãi suất tăng.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công: Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế khi đã công bố dự toán ngân sách năm 2023 trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước ước đạt 698.867 tỷ đồng - tăng 28,9% so với kế hoạch năm trước. Con số này bao gồm vốn phân bổ cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Để đạt được kế hoạch đầy tham vọng này, Chính phủ Việt Nam đã nới lỏng mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 tăng lên 4,5% so với cùng kỳ (mục tiêu năm 2022 là 4,0%) và dự báo mức thâm hụt ngân sách cao hơn trong năm 2023 là 4,5% từ mức 4% của năm 2022.

Một yếu tố khác hỗ trợ đầu tư công trong năm 2023 là giá vật liệu xây dựng giảm trong những tháng gần đây. Cụ thể, sau khi đạt đỉnh vào tháng 4, giá thép xây dựng trong nước giảm 19,7% so với mức đỉnh (-10,6% YoY) và giảm 6,7% so với cuối năm 2021. 

VNDirect kỳ vọng giá vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục giảm trong các quý tới do nhu cầu yếu có thể giúp các doanh nghiệp xây dựng cải thiện biên lợi nhuận và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.

Theo đó, VND dự báo vốn đầu tư công thực hiện năm 2023 có thể tăng 20 - 25% so với số thực tế năm 2022. Các dự án đầu tư công trọng điểm sẽ được đẩy mạnh thực hiện trong năm 2023 bao gồm Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 và 2, Sân bay quốc tế Long Thành.

Chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ hướng tới sự phát triển bền vững: Việt Nam sẽ tiếp bước Indonesia và Nam Phi nhận gói tài trợ biến đổi khí hậu trị giá ít nhất 11 tỷ USD để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào than đá và thúc đẩy triển khai các nguồn năng lượng tái tạo. Được dẫn dắt bởi Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh, thỏa thuận tài trợ này nhằm mục đích công bố “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” tại hội nghị thượng đỉnh EUASEAN vào ngày 14/12 sắp tới.

Khoảng 5 - 7 tỷ USD sẽ đến từ các khoản vay và trợ cấp của khu vực công, và phần còn lại từ các nguồn tư nhân. Gói tài trợ của Việt Nam là gói thứ ba trong một loạt các thỏa thuận lớn nhằm giúp các quốc gia có thu nhập trung bình phụ thuộc nhiều vào than đá đẩy nhanh
quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. 

4 áp lực

Mặc dù vậy, Chứng khoán VNDirect nhận thấy có nhiều thách thức đến từ ngoại cảnh và nội tại có thể kéo đà tăng trưởng của Việt Nam chậm lại trong năm 2023. Cụ thể:

Xuất khẩu tăng trưởng chậm lại do cầu thế giới suy yếu: Theo Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Fitch, tăng trưởng chi
tiêu của người tiêu dùng được dự báo đạt 2,5% trong năm 2022 trước khi giảm xuống còn 0,9% vào năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Đà tăng lãi suất điều hành quyết liệt của Fed sẽ tác động mạnh hơn đến tăng trưởng việc làm và chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ và EU - các đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong năm 2023.

VND cho rằng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chậm
lại trong năm 2023 và dự báo giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng 9-10% YoY trong năm này - thấp hơn mức tăng trưởng dự báo của năm 2022 là 14%. Mức kỳ vọng thặng dư thương mại của Việt Nam sẽ tăng lên 12 tỷ USD trong năm 2023 từ mức thặng dư thương mại dự kiến là 10,4 tỷ USD trong năm 2022.

Áp lực lãi suất và tỷ giá còn kéo dài cho đến ít nhất là quý 2/2023: VNDirect cho rằng áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong
nước và tỷ giá hối đoái có thể kéo dài cho đến quý 2/2023 và giảm đáng kể sau khi Fed chuyển dịch chính sách tiền tệ sang hướng trung lập hơn.

VND dự báo đồng VND có thể tăng 1 - 2% so với USD trong năm 2023 do Fed chuyển từ chính sách "thắt chặt tiền tệ" sang "bình thường hóa" vào năm tới. Tuy nhiên, Fed vẫn có khả năng thắt chặt tiền tệ mạnh hơn và lâu hơn so với kỳ vọng nếu lạm phát hạ nhiệt không như kỳ vọng. Nếu điều đó xảy ra, tỷ giá hối đoái và lãi suất
của Việt Nam có thể chịu nhiều áp lực nhiều hơn trong năm 2023.

Lạm phát sẽ tăng trong 2023 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát: Chứng khoán VNDirect cho rằng lạm phát của Việt Nam sẽ tăng trong năm 2023 do các yếu tố: Tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể giảm tốc trong nửa đầu năm 2023 nhưng được bù đắp một phần bởi xu hướng phục hồi của lượng du khách quốc tế; chính sách tăng lượng cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp nghề nghiệp,... 

Mặc dù giá hàng hóa toàn cầu đã đạt đỉnh nhưng tác động của việc đồng USD mạnh lên đối với giá nguyên liệu nhập khẩu vẫn còn kéo dài đến quý 3/2023. Bên cạnh đó, chính phủ có thể xem xét tăng giá các dịch vụ thiết yếu như điện, y tế, giáo dục trong năm tới. 

Ngoài ra, lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí của các doanh nghiệp sản xuất, thương mại và logistics từ đó gia tăng áp lực tăng giá đầu ra.

VND dự báo lạm bình quân của Việt Nam trong năm 2023 có thể tăng 3,8% so với cùng kỳ trong năm song vẫn nằm trong mục tiêu kiểm soát lạm phát trung bình năm 2023 dưới 4,5% của Chính phủ. 

Mùa Đông đang đến với thị trường bất động sản: Nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản trong nước đang bước vào chu
kỳ giảm: Các doanh nghiệp bất động sản khó tìm được cách đảo nợ do các quy định chặt chẽ hơn về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thắt chặt tín dụng; lãi suất vay mua nhà tăng kéo theo nhu cầu mua nhà giảm; nguồn cung mới sụt giảm đến từ trì hoãn quá trình phê duyệt dự án do chờ Luật Đất đai sửa đổi.

Theo CBRE, doanh thu ký bán tại Hà Nội và TP. HCM đã giảm kể từ quý 3/2022 khi khối lượng căn hộ giao dịch giảm mạnh 40% so với quý trước.

Tương tự, khối lượng ký bán của bất động sản nghỉ dưỡng liền thổ giảm mạnh 70,4% so với quý trước. Tuy nhiên, chu kỳ giảm này có thể khác với đáy của chu kỳ năm 2011 - 2013.

Hiện tình trạng tài chính của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đang tốt hơn so với chu kỳ giảm lần trước. Vì vậy, VNDirect kỳ vọng chu kỳ giảm lần này sẽ có ít khốc liệt hơn và với thời gian ngắn hơn. 





Bài thuộc chủ đề Bất động sản
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/3-dong-luc-4-tro-luc-cho-trien-vong-kinh-te-vi-mo-nam-2023-161619.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    3 động lực - 4 trở lực cho triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2023
    POWERED BY ONECMS & INTECH