30 tỉnh, thành phố nào sẽ thuộc 4 vùng đô thị lớn của Việt Nam?
Trong số 4 vùng đô thị lớn, vùng đô thị Hà Nội sẽ bao gồm tổng cộng 12 tỉnh, thành phố.
Ngày 3/10, Bộ Xây dựng đã công bố Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối tháng 8/2024. Theo đó, việc phát triển đô thị trong thời gian tới sẽ được định hình thành 4 vùng đô thị lớn: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Cụ thể, vùng đô thị Hà Nội bao gồm 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Phú Thọ.
Quy hoạch định hướng phát triển Hà Nội thành cực tăng trưởng quốc gia, đồng thời phát triển các đô thị lân cận thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Điều này nhằm chia sẻ các chức năng về giáo dục, y tế, khoa học, thương mại, dịch vụ, du lịch, giảm bớt sự tập trung quá mức vào trung tâm Hà Nội, phù hợp với hệ sinh thái lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình.
Bên cạnh đó, vùng này sẽ tập trung xây dựng hạ tầng đô thị hiện đại, kết nối với hệ thống giao thông gồm Vành đai 4, Vành đai 5 vùng Thủ đô và các tuyến đường sắt đô thị, cùng sân bay thứ hai phía Nam vùng Thủ đô,...
Vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh bao gồm 8 tỉnh, thành phố: TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang.
Mục tiêu là xây dựng TP. HCM trở thành cực tăng trưởng quốc gia, phát triển các đô thị lân cận thuộc vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng này sẽ chia sẻ chức năng về dịch vụ, công nghiệp, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, hạn chế sự tập trung quá mức vào trung tâm TP. HCM, đồng thời phù hợp với hệ sinh thái lưu vực sông Đồng Nai và sông Mê Kông.
>> 10 năm chưa làm xong 4 tuyến đường chính khu đô thị Thủ Thiêm
Quy hoạch cũng sẽ phát triển các trục kết nối nhanh từ TP. HCM đến các đô thị lớn như Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Vũng Tàu, Tân An, Mỹ Tho - những cực tăng trưởng thứ cấp của vùng. Các vành đai công nghiệp - đô thị cũng sẽ được hình thành.
Vùng đô thị Đà Nẵng gồm TP. Đà Nẵng, Huế và các đô thị lân cận thuộc tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Quy hoạch sẽ phát triển Đà Nẵng và Huế thành các cực tăng trưởng, đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên. Chuỗi các đô thị động lực như Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn sẽ trở thành trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, thông tin; là một trong những trung tâm giáo dục, y tế chất lượng cao của cả nước, gắn với hệ sinh thái biển miền Trung. Đây cũng sẽ là trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.
Vùng đô thị Cần Thơ bao gồm TP. Cần Thơ và các đô thị lân cận thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp.
Vùng này sẽ tập trung xây dựng Cần Thơ trở thành cực tăng trưởng, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cùng các đô thị như Long Xuyên, Rạch Giá, Vĩnh Long, Cao Lãnh trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục, y tế chuyên sâu, khoa học và văn hóa của cả vùng, gắn với hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long.
Khai thác các trục giao thông kết nối như Cần Thơ - Mỹ Thuận - Trung Lương - TP. HCM và Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng nhằm thúc đẩy phát triển đô thị, tạo sự lan tỏa đến các khu vực khác trong vùng. Đồng thời, tập trung phát triển các đô thị Cần Thơ, Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long thành điểm hội tụ của các hành lang vận tải quan trọng.
>> 4 khu vực được đề xuất xây dựng sân bay thứ 2 vùng Thủ đô