Đến tháng 8, dự án cải tạo vệ sinh môi trường hai bên sông Tô Lịch sẽ hoàn thành
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các phường dọc hai bên sông phải hoàn thành toàn bộ việc cải tạo, chỉnh trang bao gồm lát vỉa hè, làm lan can, trồng cây xanh và thảm cỏ trước ngày 30/8.
Sáng ngày 7/7, UBND TP. Hà Nội đã họp nghe các đơn vị báo cáo về công tác cải tạo, chỉnh trang, vệ sinh môi trường hai bên sông Tô Lịch và kế hoạch bổ cập nước cho dòng sông này.
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Nguyễn Phi Thường cho biết, giai đoạn 1 của công tác nạo vét bùn lòng sông (đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến cầu Khương Đình) đã hoàn thành với chiều dài khoảng 7km, khối lượng bùn nạo vét đạt 49.914m3.
Dự kiến, trong tháng 8/2025, công tác nạo vét bùn sẽ hoàn tất giai đoạn 2 (từ cầu Khương Đình đến chùa Long Quang) với chiều dài 5km và khối lượng khoảng 11.800m3.

Về việc đấu nối 63 cửa xả còn lại dọc sông (từ Hoàng Quốc Việt đến đập dâng), đến nay các đơn vị đã hoàn thành 19 cửa, đang thi công 42 cửa còn lại và dự kiến hoàn thành toàn bộ trong tháng 7/2025. Sau đó, công tác chỉnh trang sẽ được triển khai trong tháng 8/2025.
Đối với chỉnh trang cảnh quan, vệ sinh môi trường và cây xanh hai bên bờ sông, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố cùng các nhà thầu duy trì thường xuyên cây cảnh, cây mảng, thảm cỏ dọc đường Láng và bờ sông Tô Lịch, đảm bảo đúng tần suất theo quy định.
Về bổ cập nước, trước mắt sẽ sử dụng nguồn từ Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây. Về lâu dài, Sở Xây dựng phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án lấy nước từ sông Hồng.
>> 1 tháng nữa, hoàn thành đập dâng trên dòng sông hơn 2.000 năm tuổi ô nhiễm nhất Thủ đô
Kết luận buổi làm việc, các Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông và Dương Đức Tuấn thống nhất yêu cầu các phường dọc hai bên sông phải hoàn thành toàn bộ việc cải tạo, chỉnh trang bao gồm lát vỉa hè, làm lan can, trồng cây xanh và thảm cỏ trước ngày 30/8.
Đối với các cửa xả, thi công đến đâu phải dọn dẹp, hoàn trả mặt bằng sạch, gọn đến đó.

Phó Chủ tịch Nguyễn Trọng Đông cũng yêu cầu các phường đẩy mạnh tuyên truyền để người dân giữ gìn vệ sinh, bỏ rác đúng nơi quy định; đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường sớm bố trí thùng rác dọc hai bên bờ sông nhằm giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.
Riêng về bổ cập nước, UBND TP nhấn mạnh việc lấy nước từ Hồ Tây phải đảm bảo đủ công suất, chất lượng nước được phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, tránh tác động tiêu cực đến thủy văn và môi trường.
Đối với phương án lấy nước từ sông Hồng bổ cập cho cả hồ Tây và sông Tô Lịch, thành phố yêu cầu tính toán, kiểm soát chặt chẽ tổng mức đầu tư, chi phí thành phần, vận hành và duy tu, đồng thời phải đảm bảo các điều kiện thủy văn, không gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái hồ Tây.
Sông Tô Lịch - một nhánh của sông Cái (nay là sông Hồng) từng có dòng chảy kết nối trực tiếp với Hồ Tây. Tuy nhiên, vào thời Nguyễn, sự thay đổi dòng chảy của sông Hồng đã khiến sông Tô bị cắt nguồn nước, dẫn đến tình trạng bồi lấp cửa sông.
Đến năm 1889, người Pháp quyết định lấp một phần sông Tô để xây dựng khu vực 36 phố phường nổi tiếng. Sau khi hai cửa sông bị chặn hoàn toàn, sông Tô mất đi sự liên kết với sông Hồng và Hồ Tây, dẫn đến tình trạng dòng chảy bị tắc nghẽn. Kể từ đó, con sông này dần trở thành nơi chứa lượng lớn nước thải đô thị, trong khi không có biện pháp khơi thông dòng chảy hiệu quả.
Trải qua hơn 2.000 năm lịch sử, từ một dòng sông rộng lớn, giàu giá trị tự nhiên và văn hóa, sông Tô Lịch đã trở thành một cống nước thải đen ngòm. Đây cũng là con sông bị đánh giá ô nhiễm nặng nề nhất Hà Nội.
Chính thức dừng cải tạo khu tập thể cũ 65 tuổi lâu đời bậc nhất Thủ đô
Đập tràn giữ nước có kiến trúc 'lạ mắt' đã hình thành trên sông Tô Lịch