4 nhóm người đại kỵ với rau cải, không nên ăn kẻo ôm hoạ vào người
Rau cải là loại rau phổ biến trong mâm cơm của gia đình Việt, dù vậy, không phải ai cũng nên ăn loại rau này.
Rau họ cải có rất nhiều loại, mỗi loại sẽ có sự khác nhau về thành phần dinh dưỡng nhưng hầu hết đều chứa những thành phần tốt cho sức khỏe. Ở nước ta, rau cải thu hoạch chính vào vụ mùa đông xuân. Chọn ăn rau theo mùa là cách tốt nhất để tiếp nhận được đầy đủ giá trị dinh dưỡng và độ an toàn của thực phẩm. Nếu làm được điều này thì rau cải sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Màu xanh của rau cải cùng thành phần vitamin K cho thấy rau giàu chất chống oxy hóa, lycopene, beta - carotene. Đây là những yếu tố giúp phòng ngừa tốt bệnh loãng xương, tim mạch, chứng không đông máu và các vấn đề về khả năng ghi nhớ của não bộ.
Rau cải còn giàu vitamin C nên tăng cường miễn dịch cho cơ thể, mỗi bát canh rau cải (56g rau tươi) có thể cung cấp trên 1/3 nhu cầu vitamin C mà cơ thể cần hàng ngày. Vitamin A của rau cải thúc đẩy tăng trưởng và phân chia tế bào T cần cho việc chống lại bệnh nhiễm trùng.
Vị đắng của rau cải là do thành phần kháng sinh thực vật có trong rau tạo nên. Đặc biệt, cải xoong, cải xoăn rất giàu chất xơ và sắt. Đây đều là các thành phần tốt cho sức khỏe trong phòng ngừa nhiều bệnh lý.
Một nghiên cứu được công bố trong ấn bản tháng 7 năm 2011 của tạp chí Journal of Clinical Nutrition của Mỹ cho thấy, tiêu thụ trái cây và rau sẽ tỷ lệ nghịch với nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, và đặc biệt thấy rõ đối với các loại rau họ cải.
Những lợi ích đối với tim mạch của các loại rau họ cải là do rất nhiều các chất dinh dưỡng và chất phytochemical có trong loại rau này, bao gồm vitamin C, vitamin K, folate, chất xơ và flavonoid.
Cách bảo toàn tốt nhất dinh dưỡng có trong rau cải
Để bảo toàn được đầy đủ chất dinh dưỡng có trong rau cải, sau khi mua về bạn nên:
- Không đem rau đi rửa ngay: việc làm này sẽ khiến rau nhanh hỏng, nhất là rau cải vốn chứa nhiều nước trong thân nên rất dễ phân hủy. Chỉ nên rửa rau cải trước khi chế biến, không nên rửa rau sạch rồi bỏ sẵn vào tủ lạnh vài ngày sau mới dùng.
- Chọn mua rau ở các kệ có tiếp xúc với ánh sáng: ánh sáng chính là yếu tố giúp rau cải có giá trị dinh dưỡng cao hơn. Đặc biệt, rau cải được xếp ở kệ rau tiếp xúc với nhiều ánh sáng thì các chất dinh dưỡng như vitamin K, beta - carotene, folate cũng giữ được hàm lượng cao hơn so với các kệ rau phía sau.
Mặc dù rau cải có nhiều lợi ích cho sức khỏe dưới đây là những nhóm người không nên ăn loại rau này.
Người bị viêm đường tiêu hóa
Người mắc các vấn đề về đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm đường tiêu hóa, nên tránh ăn sống các loại rau họ cải, bao gồm cả các món như kim chi, dưa muối, salad, vì có thể gây kích thích và tăng nguy cơ kích thích vùng loét.
Người bệnh gút
Mỗi loại thực phẩm có hàm lượng purin khác nhau. Các loại rau cải có hàm lượng purin ở nhóm B, 50 - 150mg/100g. Trong khi đó, các thực phẩm có hàm lượng purin cao có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh gút. Vì vậy nếu bạn thuộc nhóm người có nguy cơ mắc bệnh gút cao, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng sử dụng loại rau này.
Người bị sỏi thận
Những người bị bệnh sỏi thận thường được bác sĩ khuyên không nên ăn các loại thực phẩm có chứa axit oxalic vì các axit oxalic ảnh hưởng nhiều tới sự ức chế hấp thu canxi và kẽm. Trong khi đó, rau cải lại là thực phẩm có chứa hàm lượng oxalate cao, do đó những người mắc bệnh sỏi thận cũng nên tránh xa rau cải.
Bà bầu có hội chứng trào ngược
Bà bầu có hội chứng trào ngược hoặc dị ứng, khó tiêu với các loại rau cải họ cải nên thận trọng với cải thảo. Thành phần indol trong cải thảo có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc giảm đau có chứa acetaminophen.