4 yếu tố giúp Việt Nam trở thành ‘người chơi’ chủ chốt trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu
Ngày 3/12, Hội thảo “Chiến lược Công nghiệp Bán dẫn: Động lực mới cho Việt Nam và Hà Nội” thuộc khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2024 đã được tổ chức.
Hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và được dự báo là công nghệ sẽ thay đổi và định hình lại thế giới. Với tốc độ tăng trưởng ổn định, dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Các quốc gia trên thế giới đang cơ cấu lại vị trí trong ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực để có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu và là điểm dừng chân của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ và Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Khắc Lịch cho biết, ngày 21/9/2024, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có chiến lược dài hạn như vậy.
Ngoài ra, ông Lịch nhấn mạnh: “Để tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, Việt Nam không thể đi theo ngành công nghiệp điện tử truyền thống mà cần phát triển ngành công nghiệp điện tử thế hệ mới song hành với ngành công nghiệp bán dẫn. Đó chính là AI hóa tất cả thiết bị điện tử gia dụng và chuyên dụng truyền thống".
Ông Nguyễn Khắc Lịch chia sẻ thêm về những giải pháp, nhiệm vụ trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Cụ thể, ông cho biết, nếu không muốn trở thành một đất nước gia công, Việt Nam cần làm chủ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử. Trong đó, phát huy những lợi thế địa chính trị, chú trọng phát triển hạ tầng điện, nước cũng như có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể,...
Toàn cảnh hội thảo “Chiến lược Công nghiệp Bán dẫn: Động lực mới cho Việt Nam và Hà Nội”. Ảnh: VINASA |
Ngoài ra, bà Linda Tân, Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI) đã chỉ ra 4 yếu tố quan trọng đã, đang và sẽ giúp Việt Nam trở thành “người chơi” chủ chốt trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Thứ nhất, Việt Nam có sự ổn định về chính trị và sự quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Thứ hai, Việt Nam sở hữu vị trí địa lý thuận lợi, ở gần một số thị trường lớn nhất toàn cầu hiện nay như ASEAN và Trung Quốc; cũng như nằm trên các tuyến hàng hải chủ chốt, dễ dàng sang châu Âu và Bắc Mỹ.
Thứ ba, Việt Nam có nguồn nhân lực tiềm năng cung cấp cho ngành bán dẫn; đặc biệt, chi phí lao động tương đối cạnh tranh so với những thị trường khác.
Cuối cùng, các tên tuổi lớn như Samsung, Amkor, Intel, Micron,... đều có nhà máy tại Việt Nam, điều này củng cố thêm vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Trần Quang, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho biết, Việt Nam là quốc gia nằm ở trung tâm của Đông Nam Á nên dễ dàng kết nối với các thị trường lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Ngoài ra, Việt Nam còn tiếp giáp với Trung Quốc và Ấn Độ, 2 thị trường lớn với nhu cầu cao về sản phẩm công nghệ.
Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam có thể mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư từ các công ty muốn tiếp cận những thị trường này. Vị trí địa lý thuận lợi là cơ hội lý tưởng để Việt Nam thiết lập cơ sở sản xuất và phân phối bán dẫn cho khu vực.
Tuy nhiên, ông Quang nhấn mạnh, Việt Nam muốn thu hút đầu tư trong lĩnh vực này cần phải cải thiện cơ sở hạ tầng và logistics để hỗ trợ các ngành công nghiệp nói chung cũng như ngành bán dẫn nói riêng.
>>50.000 kỹ sư - cơ hội ‘đổi đời’ của ngành bán dẫn Việt Nam