5 loại cỏ mọc hoang có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gan được Bộ Y tế công nhận
Bộ Y tế đã công nhận 70 loài cây thuốc được sử dụng trong các cơ sở y tế cổ truyền, trong đó có nhiều cây mọc hoang có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gan.
Bệnh gan là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, ngoài các phương pháp điều trị hiện đại, nhiều loài cây mọc hoang trong tự nhiên đã được Bộ Y tế công nhận như những vị thuốc hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị bệnh gan.
Dưới đây là 5 loại cây mọc hoang, được sử dụng rộng rãi trong việc chữa trị các bệnh lý liên quan đến gan:
Cà gai leo (Cà vạnh, cà cườm, cà quánh, cà quýnh)
Cà gai leo là loài cây mọc hoang phổ biến ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Người dân thường thu hái rễ cây, làm sạch và phơi khô để làm thuốc.
Cây có công dụng tán phong trừ thấp, giải độc, giảm đau và đặc biệt hiệu quả trong việc điều trị viêm gan, xơ gan, đau nhức gân xương. Ngoài ra, cà gai leo còn có tác dụng chữa ho, ho gà và rắn cắn.
Dành dành (Sơn chi tử, chi tử)
Dành dành là cây thuộc họ cà phê, cao khoảng 1-2m, mọc hoang nhiều ở các vùng núi, ven suối. Quả của cây ngoài công dụng làm cảnh còn được dùng trong y học. Dành dành có khả năng thanh nhiệt, lợi tiểu, trị vàng da và hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến gan như sốt cao, khó ngủ, tiểu tiện khó, chảy máu cam, hay nôn ra máu.
Quả cây dành dành thường được thu hoạch vào mùa thu, phơi khô và dùng làm thuốc.
Diệp hạ châu (Diệp hạ châu đắng, cây chó đẻ răng cưa)
Loại cây này mọc hoang phổ biến ở khắp Việt Nam và các khu vực nhiệt đới khác, cao khoảng 30cm. Diệp hạ châu có tác dụng tiêu độc, lợi mật, thanh can, tiêu viêm và tán ứ. Cây này giúp chữa các bệnh về gan như viêm gan, viêm họng, tắc sữa, viêm da và viêm thận.
Diệp hạ châu có thể dùng tươi hoặc phơi khô, giã nát với muối rồi sắc uống hoặc dùng để chữa các bệnh ngoài da như mụn nhọt, lở ngứa.
Phèn đen (Nỗ, tạo phan diệp)
Phèn đen là loài cây thuộc họ thầu dầu, mọc hoang hoặc được trồng làm thuốc ở nhiều vùng tại Việt Nam và các nước châu Á. Vỏ thân cây có màu nâu sẫm, thường được sử dụng trong điều trị tiểu khó. Lá cây phơi khô có thể chế thành viên thuốc để chữa chảy máu chân răng hoặc dùng điều trị tiêu chảy.
Phèn đen còn giúp vết thương mau lành và hỗ trợ cải thiện sức khỏe gan.
Rau má (Liên tiền thảo, tích tuyết thảo)
Rau má là cây mọc hoang phổ biến ở Việt Nam, với nhiều công dụng chữa bệnh. Cây có tính mát, thanh nhiệt, trừ thấp, giải độc và tiêu viêm. Rau má thường được dùng để điều trị sốt, mụn nhọt, vàng da, thổ huyết, chảy máu cam, táo bón và ho. Bên cạnh đó, rau má còn giúp làm mát gan, cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ và hỗ trợ điều trị các bệnh lý về gan.
Cây rau má có thể dùng tươi hoặc sao vàng, sắc nước uống hoặc kết hợp với các thảo dược khác để chữa bệnh.
Loại cây mọc dại ở Việt Nam lại là ‘vũ khí’ chống ung thư tự nhiên
Loại cây rừng của Việt Nam chứa hoạt chất diệt tế bào ung thư mạnh