Loài cây quý ở Việt Nam có tiềm năng lớn trong sản xuất dược liệu, được đưa vào Sách đỏ thế giới cần khẩn cấp bảo tồn
Loài cây này đã được đưa vào Sách đỏ thế giới và xếp hạng bảo tồn vào bậc cực kỳ nguy cấp.
Đây là loài thực vật đặc hữu của Vườn quốc gia Bù Gia Mập, được công bố vào năm 2014. Trà hoa vàng Bù Gia Mập (Camellia Bugiamapensis) được mệnh danh là “nữ hoàng trà” với vẻ ngoài sang trọng cùng với công năng trong việc phòng, chống bệnh tật và tăng cường sức khỏe.
Trà hoa vàng Bù Gia Mập có giá trị cảnh quan cao bởi sở hữu vẻ ngoài đẹp. Cây có thân gỗ, nhỏ, màu xanh, cao khoảng 2-5m. Cành cây thưa và vỏ cây có màu vàng xám nhạt.
Hoa trà hoa vàng có màu vàng, mọc đơn độc trên cuống lá, mỗi bông có khoảng từ 8-10 cánh. Có 3-4 vòi nhụy và chỉ dính nhau 1 phần. Tháng 11 là thời điểm nở nhiều hoa và kéo dài đến tháng 3 năm sau mới tàn.
Điều đặc biệt ở loài cây này là chỉ thích hợp với những khu vực đồi núi, không ưa ánh sáng chiếu trực tiếp. Bởi vậy, loài cây này chỉ phát triển tốt khi được trồng dưới các cây gỗ lớn với thổ nhưỡng giống môi trường tự nhiên.
Tại Việt Nam, trà hoa vàng được trồng và mọc hoang từ Bắc vào Nam với khoảng 68 loài được ghi nhận. Tại vườn quốc gia Bù Gia Mập, trà hoa vàng được các nhà khoa học dành sự quan tâm lớn bởi đây là địa hình khu vực đại diện duy nhất cho vùng khí hậu chuyển tiếp từ cao nguyên xuống Đông Nam Bộ. Đặc biệt, trà hoa vàng chỉ tìm thấy ở phạm vi nhỏ, khoảng 1km2 tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập.
Trà hoa vàng Bù Gia Mập đã được các nhà khoa học đưa vào Sách đỏ thế giới. Số lượng cây trưởng thành cực ít, chỉ khoảng 49-70 cây và được xếp bảo tồn vào bậc cực kỳ nguy cấp.
Theo trang Báo Bình Phước, trong tất cả các loại trà hoa vàng, trà hoa vàng Bù Gia Mập được đánh giá có giá trị dược liệu cao. Trong trà hoa vàng Bù Gia Mập có nhiều hợp chất quý giá như: Saponin, polyphenol, polysaccharide, flavonoids và các nguyên tố như selenium (Se), germannium (Ge), kalium (K), kẽm (Zn), molypden (Mo), vanadium (V), mangan (Mn) và các vitamin B1, B2, C… Những chất này được ứng dụng vào điều trị các bệnh ung thư, giúp ổn định đường huyết, thải độc gan, thanh lọc cơ thể, chống lão hóa,...
Đây là loài cây có tiềm năng lớn trong sản xuất dược liệu - Ảnh: Internet |
Bên cạnh đó, theo các nhà khoa học tại nhiều quốc gia, lá, hoa và búp non của cây trà hoa vàng đều có thể được sử dụng làm thuốc. Đặc biệt, lá và búp có thể được thu hoạch vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Trong khi đó, hoa chỉ có thể thu hoạch vào tháng 3 hoặc tháng 4 bởi đây là thời điểm hoa có nhiều chất dinh dưỡng nhất để làm thuốc.
Sau khi thu hoạch, có thể sử dụng tươi hoặc phơi, sấy. Giá của trà hoa vàng khô không rẻ, dao động khoảng 1.000.000 - 1.500.000 đồng/50g bởi phải cần đến 10kg hoa tươi mới có thể bào chế được 1kg hoa khô.
Trà hoa vàng chỉ ghi nhận ở vùng nhỏ hẹp trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã cho thấy điều kiện sống tự nhiên vô cùng khắt khe của loài cây này. Để bảo tồn loài cây quý hiếm này, Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã có những giải pháp như nghiên cứu, đánh giá về hiện trạng và trữ lượng tại khu vực, từ đó đưa ra kế hoạch bảo tồn và phát triển phù hợp.
Ngoài ra, cũng tiến hành nghiên cứu, phát triển giống với mục tiêu bảo tồn loài tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập; đồng thời, tiến hành nghiên cứu những thành phần hóa học, dược liệu, sau đó sẽ xây dựng kế hoạch phát triển mở rộng khi có kết quả khả quan, đủ hàm lượng, hoạt chất để đáp ứng sản xuất.