5 yếu tố tác động đến thị trường bất động sản nửa cuối năm

17-07-2023 10:38|DIỆU HOA

Có nhiều cơ sở để kỳ vọng sự phục hồi dần của thị trường bất động sản, đặc biệt là từ cuối quý 3 cho đến hết năm 2023. Tuy nhiên, cần xác định rõ tinh thần lạc quan phải đi kèm với tâm thế cẩn trọng.

Thị trường bất động sản sẽ có dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn từ cuối quý III (Ảnh: DH)

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) dự báo thị trường bất động sản Việt Nam nửa cuối năm 2023. Theo ông Đính, có 5 yếu tố tác động đến thị trường.

Thứ nhất, GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Tính đến ngày 20/6, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đăng ký là 1,53 tỷ USD, giảm 51,5% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ đạt 502,1 triệu USD (chiếm 5%), giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 881,3 triệu USD).

Thứ hai, tín hiệu FED tạm dừng tăng lãi suất trong tháng 6/2023 có tác động tích cực đến tâm lý thị trường các lĩnh vực, đặc biệt là chứng khoán và bất động sản. Tuy nhiên, để đánh giá, cần chờ thêm các tín hiệu từ FED trong thời gian tới.

Dữ liệu kinh tế từ báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê Trung Quốc phản ánh, nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi không như kỳ vọng. Nhu cầu hàng hóa trong nước và xuất khẩu của Trung Quốc đang sụt giảm tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam.

Thứ ba, về hành lang pháp luật, ở mặt tích cực, Chính phủ vẫn tiếp tục thể hiện sự quan tâm và quyết tâm đồng hành, gỡ khó thị trường thông qua việc ban hành hàng loạt các nghị định/nghị quyết/thông tư/công văn chỉ đạo.

Vẫn muôn trùng khó khăn cho thị trường địa ốc

Đáng ghi nhận, một số tỉnh/thành phố nghiêm túc thực hiện tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án cụ thể. Song, những vướng mắc trong đấu thầu, phê duyệt thủ tục đầu tư tạo rào cản trong việc lựa chọn chủ đầu tư. Đặc biệt là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỷ đồng đến nay vẫn chưa phát sinh nợ do pháp lý, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc, không thu hút được chủ đầu tư tham gia.

Thứ tư, giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến tích cực. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2023 tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.

Chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều khu kinh tế, du lịch, đô thị,..., kéo theo đó sẽ là nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng, dịch vụ, văn phòng.

Tín hiệu tích cực khi hàng loạt các tuyến đường cao tốc qua các địa phương như Cần Thơ, Khánh Hòa, Buôn Mê Thuột….. đều được triển khai đúng tiến độ.

Thứ năm, tín dụng bất động sản 4 tháng đầu năm tăng tới 9,78%, gấp 3 lần tín dụng chung của nền kinh tế. Các tổ chức tín dụng vẫn cấp tín dụng cho các dự án có phương án vay vốn khả thi theo đúng quy định.

Vốn FDI rót vào bất động sản trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh 61% so với cùng kỳ năm trước, mất vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng thu hút đầu tư. Dòng tiền trên thị trường yếu dẫn đến sức mua chưa được cải thiện.

Theo dự báo của VARs, thị trường sẽ rục rịch đón nhận thêm nguồn cung mới từ các dự án nhà ở xã hội trong 6 tháng cuối năm. Đến cuối quý 3, khả năng thị trường phân khúc bình dân sẽ có dấu hiệu hồi phục một cách rõ rệt hơn.

Cánh đồng hoang hồi sinh nhờ ‘thành phố chip’, Nhật Bản đặt cược lớn để tìm lại ánh hào quang

Năm Bảy Bảy (NBB) rót gần 4.500 tỷ đồng vào dự án bất động sản vừa được 'hồi sinh'

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/5-yeu-to-tac-dong-den-thi-truong-bat-dong-san-nua-cuoi-nam-247559.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    5 yếu tố tác động đến thị trường bất động sản nửa cuối năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH