6 nội dung chế độ tiền lương mới dự kiến thực hiện từ 1/7/2024
Dự kiến từ ngày 1/7/2024, 6 nội dung cải cách tiền lương được thực hiện gồm: Xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa 14 về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa 15 đến hết kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực Nội vụ.
Một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà báo cáo với các đại biểu Quốc hội là lĩnh vực tiền lương.
Xây dựng 5 bảng lương mới
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, vừa qua Chính phủ đã báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, báo cáo Quốc hội về kết quả và lộ trình cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp theo Nghị quyết số 27, Trung ương khóa 12.
Một là bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.
Hai là bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
Ba là bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm).
Bốn là bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an.
Năm là bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Trong đó, Bộ Nội vụ đã đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với 6 nội dung cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 và dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024.
Cụ thể là xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.
Trong đó, cơ cấu tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Sau năm 2024, tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 27.
Căn cứ kết luận của cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Chính phủ sẽ báo cáo Ban Cán sự đảng trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới.
Từ đó, các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định cụ thể chế độ tiền lương mới đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý. Đồng thời, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27.
Dùng tiền tiết kiệm do tinh giản biên chế để tăng lương
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho hay, để khắc phục phục tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc trong thời gian qua, Chính phủ đã kịp thời trình Quốc hội thông qua phương án điều chỉnh tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%), thực hiện từ ngày 1/7/2023.
Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề này, theo Bộ trưởng Nội vụ, trong thời gian tới cần triển khai thêm các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Chính phủ hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương mới, bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trong các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra với các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà có lưu ý đến việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần giảm chi ngân sách nhà nước.
Theo đó kinh phí tiết kiệm do tinh giản biên chế sẽ là nguồn ngân sách nhà nước quan trọng để thực hiện tăng lương trong năm 2023 và các năm sau…
Tại phiên họp Chính phủ tháng 9 vừa qua, các bộ ngành cho biết, đến nay cả nước đã tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 theo Nghị quyết số 27 của Trung ương khóa 12.
Về tinh gọn bộ máy, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, các bộ ngành đã đã giảm được 17 Tổng cục và tổ chức tương đương Tổng cục; giảm 10 Cục; giảm 145 Vụ/Ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm cơ bản phòng trong vụ.
Sau khi sắp xếp tổ chức của các bộ, ngành, sẽ phải thực hiện giảm theo lộ trình đối với 61 lãnh đạo cấp tổng cục gồm 14 tổng cục trưởng và 47 phó tổng cục trưởng; 17 lãnh đạo cấp cục thuộc bộ; 63 lãnh đạo cấp vụ thuộc bộ; 404 lãnh đạo cấp cục, vụ thuộc tổng cục.
Hà Nội dành 3,4 nghìn tỷ từ tiết kiệm chi thường xuyên để cải cách tiền lương
Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025