7 tháng sau tạo đáy, 42% số cổ phiếu bất động sản vẫn giao dịch dưới mệnh giá

18-06-2023 13:38|Đức Hậu

Kết thúc nhịp thăng hoa năm 2021 - đầu 2022, cùng với những vấn đề nội tại, nhóm cổ phiếu bất động sản được đánh giá khó có thể tìm lại ánh hào quang trong một vài năm tới.

Sau năm 2021 thăng hoa, thị trường chứng khoán lao dốc trở lại trong năm 2022; VN-Index và hàng trăm mã cổ phiếu trên thị trường đồng loạt tạo đáy hồi giữa tháng 11/2022.

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Bao nhiêu cổ phiếu bất động sản giao dịch dưới mệnh giá?
Biểu đồ chỉ số VN-Index 5 năm gần nhất

Trước khi vụ việc cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và cựu Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt hồi cuối quý 1 - đầu quý 2/2022 kéo theo các vấn đề về trái phiếu, hàng vạn chứng sĩ trên thị trường - nhất là cổ đông bất động sản vẫn đang trong cơn say chiến thắng. Nói vậy bởi nỗ lực tăng giá trong nửa cuối 2021 đã kéo hàng loạt cổ phiếu ngành này trở lại mệnh giá (10.000 đồng/cp), thậm chí đạt đỉnh sau nhiều năm đì đẹt.

Thời điểm đầu tháng 1/2022, cổ phiếu HQC lập đỉnh lịch sử 10.500 đồng/cp sau 8 năm niêm yết; cổ phiếu ITA lập đỉnh 18.550 đồng/cp; FLC lập đỉnh lịch sử khi vượt mốc 22.000 đồng/cp; QCG đạt mức kỷ lục 23.200 đồng/cp; TDH vượt giá 15.000 đồng/cp, CRE chạm mốc lịch sử từ khi niêm yết - 25.620 đồng/cp;...

Các mã khác như DIG, CEO, IDJ, FIT, IJC, L14,... cũng tăng bằng lần trong đó bộ đôi DIG - CEO lần lượt chạm 120.000 đồng và 100.000 đồng/cp; L14 vượt giá 400.000 đồng và trở thành cổ phiếu đắt nhất thị trường chứng khoán thời điểm đó.

Tuy nhiên, nhịp lao dốc chỉ 10 tháng sau đó đã kéo hàng trăm mã chứng khoán trên thị trường về đáy (giữa tháng 11/2022) với mức giảm 50 - 90% giá trị.

Nỗ lực hồi phục trong 7 tháng trở lại đây đã giúp các mã như HQC, QCG, EVG, DIG, CEO,... tăng 2 - 4 lần từ đáy. Dù vậy, mức giá hiện tại vẫn thấp hơn đỉnh cũ tháng 1/2022 từ 55 - 70%.

Theo thống kê, trong tổng số 129 mã bất động sản đang tham chiến trên thị trường, hiện có 54 cổ phiếu đang giao dịch dưới mệnh giá 10.000 đồng/cp (chiếm tỷ lệ 42%). Tất cả đều thuộc nhóm mid/smallcap - trong đó 24 mã dưới 5.000 đồng/cp, 9 mã có giá không quá 3.000 đồng/cp và PPI là cổ phiếu duy nhất đang giao dịch dưới 1.000 đồng/cp.

Bao nhiêu cổ phiếu bất động sản giao dịch dưới mệnh giá?
Các cổ phiếu bất động sản có giá dưới 3.000 đồng/cp

Đáng chú ý nhất trong danh sách này có CRE (giá 6.470 đồng/cp), DRH (6.400 đồng/cp), DXS (8.500 đồng/cp), EVG (6.690 đồng/cp), HPX (4.470 đồng/cp), HQC (4.560 đồng/cp), ITA (5.700 đồng/cp), LDG (5.000 đồng/cp), QCG (9.800 đồng/cp).

Một số cổ phiếu khác có thể kể đến NDN, NRC, PTL, PVL, PXL, PXI, TCH, TDH, XMC.

Trong danh sách trên, HQC, DXS, ITA, LDG đều nằm trong Top cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất thị trường với khối lượng trung bình từ 5 - 30 triệu đơn vị/phiên. Cổ phiếu HQC của Địa ốc Hoàng Quân thậm chí lọt Top 3 mã chứng khoán được mua bán nhiều nhất năm 2022 sau HPG và STB.

Trường hợp đáng tiếc nhất là cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai. Sau chuỗi 13 phiên tăng trần kéo thị giá lên mức 12.050 đồng (phiên 13/6), cổ phiếu này đã lao mạnh trở lại trong 3 phiên gần đây, thị giá giảm còn 9.800 đồng/cp.

Cái tên nổi bật khác là TCH của CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (công ty nhà Chủ tịch Đỗ Hữu Hạ) hiện giao dịch ở mức 8.710 đồng. Đây là cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất nhóm - đạt 5.820 tỷ đồng (xếp trên ITA với 5.349 tỷ và CRE với 4.219 tỷ).

Đáng chú ý, TCH là cổ phiếu từng nằm trong rổ VN30 trước khi bị HOSE gạch tên hồi tháng 7/2021 do không đủ tỷ lệ freefloat.

Kinh doanh lao dốc, sức khỏe tài chính thiếu ổn định, dự án gặp nhiều vướng mắc,... trở thành vấn đề chính dẫn đến đà lao dốc của cổ phiếu nhóm bất động sản nói chung và các mã mid/smallcap ngành này nói riêng trong quãng thời gian dài vừa qua.

Quan sát dòng tiền trên thị trường 3 tuần trở lại đây, giá trị giao dịch trung bình phiên của nhóm cổ phiếu bất động sản luôn chiếm từ 20 - 25% tổng thanh khoản thị trường; một lượng tiền lớn vẫn giao dịch tập trung ở các mã có vốn hóa trên 5.000 tỷ đồng cùng nhóm LargeCap. Các mã penny dù tăng giá mạnh song chỉ là sân chơi nhỏ lẻ của dòng tiền đầu cơ và tạo lập.

Hiện vai trò dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bất động sản chưa được xác lập khi các mã đầu ngành như họ Vin, BCM, KDH, PDR, NVL đang thiếu đi sự ổn định. Mặt khác, sóng tăng giá kể từ đầu tháng 5/2023 ở hàng loạt mã mid/smallcap đã bắt đầu nguội dần khi dòng tiền tạo lập bán ra. Vì điều này, các động thái bán mạnh tại QCG, ITA, EVG,... là chỉ báo nên được nhà đầu tư cân nhắc.

Bao nhiêu cổ phiếu bất động sản giao dịch dưới mệnh giá?
Diễn biến giá cổ phiếu QCG (xanh), ITA (vàng) và EVG (đỏ)

Xét trên góc nhìn đầu tư dài hạn, ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm kinh doanh - CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) trong một nhận định tại chương trình "Khớp lệnh" đầu tháng 3/2023 cho rằng, sau mỗi trận đánh lớn, sóng lên và sóng tan, các nhóm cổ phiếu cần ít nhất 3 - 5 năm thậm chí lâu hơn để sửa soạn cho một trận đánh lớn khác.

Với việc nhịp thăng hoa năm 2021 - đầu 2022 đã khép lại, cùng với những vấn đề nội tại chưa được giải quyết, nhóm cổ phiếu bất động sản được đánh giá khó có thể tìm lại hào quang trong một vài năm tới.

Mốc 1.230 điểm cản bước VN-Index, khối ngoại mua ròng trở lại

Bac A Bank điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu, dự kiến tăng vốn lên hơn 10.500 tỷ đồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/7-thang-sau-tao-day-42-so-co-phieu-bat-dong-san-van-giao-dich-duoi-menh-gia-188277.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    7 tháng sau tạo đáy, 42% số cổ phiếu bất động sản vẫn giao dịch dưới mệnh giá
    POWERED BY ONECMS & INTECH