Các ngân hàng vẫn đua bán bảo hiểm nhân thọ mặc dù dính phải nhiều lùm xùm trong thời gian gần đây.
Bị ép mua bảo hiểm, 73% khách hủy hợp đồng sau 1 năm
Bộ Tài chính vừa có thông báo về kết luận thanh tra bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gồm BIDV Metlife, Prudential, Sun Life Việt Nam và MB Ageas ở thời kỳ năm 2021 và các thời kỳ có liên quan.
Đáng chú ý, trong khi theo kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp vừa được Bộ Tài chính công bố, tỷ lệ hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng bị hủy chỉ sau một năm thấp nhất là 32,4% và cao nhất lên tới 73%. Điều này đồng nghĩa với hàng ngàn tỷ đồng của người dân bị mất trắng vì bảo hiểm nhân thọ.
Không chỉ khách hàng cá nhân bị ép mua bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp cũng gặp tình trạng tương tự khi vay vốn tại ngân hàng.
Mới đây, tại hội nghị "Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố", đại diện một doanh nghiệp phản ánh: "Khi doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, lại phải mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân. Nhân viên ngân hàng chỉ đưa ra một lựa chọn cho doanh nghiệp, mua bảo hiểm mới được lãi suất ưu đãi, không mua thì phải chịu lãi suất cao hoặc không được giải ngân. Đây là một cách "lách" của ngân hàng nên dù đã có quy định cấm, doanh nghiệp vẫn rất khó".
Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, khoản tiền mua bảo hiểm với họ không quá lớn nhưng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ thì rất đáng. Vì có thêm mảng bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng nên các ngân hàng mới phải "ép" khách hàng như vậy.
Đến 73% khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng chỉ sau một năm. |
Vì sao ngân hàng vẫn "ham" bảo hiểm?
Mặc dù dính nhiều lùm xùm thời gian gần đây nhưng bảo hiểm vẫn là "gà đẻ trứng vàng" của các ngân hàng.
Tại TPBank, thông tin mới được Bộ Tài chính công bố, trong năm 2021, bảo hiểm Sun Life có doanh thu triển khai mới qua TPBank đạt hơn 789 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng sau năm thứ nhất lên đến 73%.
Được biết, ngân hàng này đã phân phối bảo hiểm nhân thọ cho Manulife và Sun Life trong nhiều năm qua, đồng thời cũng thu được khối tiền lớn từ bảo hiểm nhân thọ. Cụ thể, trong quý 1/2023, dù doanh thu bảo hiểm sụt giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước vẫn đạt hơn 116 tỷ đồng. Vào năm 2022, ngân hàng này đạt hơn 876 tỷ đồng doanh thu từ bảo hiểm.
Tại MB Bank, báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 cho thấy mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm mang về hơn 2.080 tỷ đồng doanh thu cho MB Bank. Dù sụt giảm gần 11% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn đóng góp hơn 73% vào tổng doanh thu hoạt động dịch vụ, cao hơn hàng loạt mảng khác thuộc nghiệp vụ ngân hàng.
Ngân hàng cũng là một trong những nhà băng dẫn đầu về doanh thu bảo hiểm khi mảng này liên tục tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm. Năm 2020, doanh thu bảo hiểm tại MB Bank đạt gần 5.850 tỷ đồng, năm 2021 đạt hơn 8.380 tỷ đồng và năm 2022 đạt 10.185 tỷ đồng.
MB luôn dẫn đầu về doanh thu bảo hiểm các năm gần đây. |
Tương tự tại VIB, dù giảm gần 45% so với cùng kỳ năm trước, nhưng khoản hoa hồng bảo hiểm nhân thọ mà ngân hàng đạt được được trong quý 1/2023 vẫn đạt 118 tỷ đồng. Trong năm 2022, riêng phần hoa hồng bảo hiểm nhân thọ đã mang về cho ngân hàng này hơn 1.300 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước đó.
Đây cũng là lý do mà ngân hàng này vừa tiếp tục ký gia hạn hợp tác độc quyền với Prudential lên 21 năm, tăng 6 năm so với thỏa thuận ban đầu. Từ khi ký kết vào năm 2015 đến nay, bảo hiểm nhân thọ của Prudential được bán rộng rãi ở các chi nhánh ngân hàng này.
Công ty chậm đóng bảo hiểm xã hội 2 tỷ đồng, nghệ sĩ Quyền Linh nói gì?
Đóng BHYT theo hình thức hộ gia đình được hưởng quyền lợi thế nào?