Tính riêng tháng 8/2022, Việt Nam nhập siêu 472 triệu USD thức ăn chăn nuôi từ các thị trường.
Nhập siêu gần 3 tỷ USD thức ăn chăn nuôi
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thức ăn chăn nuôi trong 8 tháng năm 2022 là 781,3 triệu USD, tăng 11% so với 8 tháng đầu năm 2021. Riêng tháng 8/2022, giá trị là 102 triệu USD, tăng 6,7% so với tháng 7 và tăng 25,4% so với tháng 8/2021.
Xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc, thị trường lớn nhất, trong tháng 8 tiếp tục tăng 21,2% so với tháng 7 và tăng 21,8% so với tháng 8/2021 và ở mức 34,7 triệu USD. Tính chung kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc 8 tháng năm 2022 là 311,5 triệu USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Xuất khẩu sang Campuchia, thị trường lớn thứ hai, tăng 8,7% so với cùng kỳ, và ở mức 111,3 triệu USD, chiếm 14,2% trong tổng kim ngạch. Riêng tháng 8, kim ngạch giảm 24% so với tháng 7/2022 nhưng tăng 17% so với tháng 8/2021 và ở mức 14,3 triệu USD.
Thị trường Mỹ xếp thứ ba về kim ngạch và ở mức 106,4 triệu USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 8, kim ngạch tăng 6,8% so với tháng 7/2022 và tăng 983% so với tháng 8/2021 với 17,3 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn chăn nuôi về Việt Nam tháng 8 tăng trở lại sau hai tháng giảm liên tiếp. Trong tháng, kim ngạch tăng tăng 24,4% so với tháng 7 và tăng 44,3% so với tháng 8/2021 với 573,3 triệu USD.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu nhóm hàng này ở mức trên 3,65 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam nhập khẩu thức ăn chăn nuôi nhiều nhất từ thị trường Argentina, chiếm 29,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước với trên 1,09 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, riêng tháng 8, giá trị là 182 triệu USD, tăng 12,4% so với tháng 7 và tăng mạnh 65,3% so với tháng 8/2021.
Đứng thứ hai là thị trường Brazil chiếm tỷ trọng 21% với gần 766,7 triệu USD, tăng mạnh 96% so với cùng kỳ. Riêng tháng 8, nhập khẩu từ thị trường này là 131,3 triệu USD, tăng 114% so với tháng 7 và tăng 155% so với tháng 8/2021.
Tiếp đến thị trường Mỹ trong tháng 8, nhập khẩu tiếp tục tăng 1,2 % so với tháng 7 nhưng giảm 11,6% so với tháng 8/2021, với 64,8 triệu USD. Cộng chung cả 8 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu từ thị trường này giảm 18,5% so với cùng kỳ năm 2021 với 451,4 triệu USD, chiếm 12,4% trong tổng kim ngạch.
Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trong 8 tháng đầu năm 2022 tăng 15,5% so với 8 tháng đầu năm 2021 với 316 triệu USD. Nhập từ thị trường Đông Nam Á tăng 3,2% và ở mức 252 triệu USD.
Như vậy, trong tháng 8, Việt Nam nhập siêu 472 triệu USD mặt hàng này. Tính chung 8 tháng, Việt Nam nhập siêu gần 2,9 tỷ USD mặt hàng thức ăn chăn nuôi.
Mức tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn thấp so với khu vực
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện bình quân tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi (người/năm) của Việt Nam đạt khoảng 55-57kg thịt hơi các loại, khoảng 130 đến 135 quả trứng và khoảng 13-5 kg sữa tươi.
Mức tiêu thụ này đạt thấp so với khu vực, như mức tiêu thụ thịt chỉ bằng 84% Hàn Quốc, trứng bằng 50% Nhật Bản, sữa bằng 40% trung bình châu Á.
Cơ cấu thịt heo, thịt gia cầm và thịt gia súc ăn cỏ đang có xu hướng thay đổi trong giỏ thực phẩm của người dân, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm chế biến có xu hướng tăng.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn tới sức khỏe, tiêu dùng các loại sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe. Đây cũng là xu hướng tiêu dùng hiện tại ở các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Tính đến tháng 8, tổng đàn heo trong cả nước tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021, đàn gia cầm tăng 3,6%, đàn bò tăng 3,4%; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 4,7 triệu tấn, tăng 5,2%; hơn 12,3 tỷ quả trứng và gần 786 nghìn tấn sữa; giá trị sản xuất chăn nuôi tăng khoảng 5,5%.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, theo kế hoạch, năm 2022 ngành chăn nuôi sẽ tăng trưởng giá trị sản xuất khoảng 5-6% so với năm 2021, với sản lượng thịt các loại ước đạt 6,9 triệu tấn.
Trong đó, thịt heo đạt trên 4,3 triệu tấn, thịt gia cầm đạt trên 2 triệu tấn, sản lượng trứng ước đạt trên 18,4 tỷ quả (tăng 4,6%), sản lượng sữa khoảng trên 1,16 triệu tấn (tăng 8,3%).
Trong năm 2023, ngành chăn nuôi tiếp tục tăng giá trị sản xuất từ 5,5-6,0% so với năm 2022. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn, sản lượng trứng các loại khoảng 19,1 tỷ quả và 1,25 triệu tấn sữa, 60 nghìn tấn mật ong.
Tại hội nghị phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, trong những tháng cuối năm, ngành chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn dịch bệnh; chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ngành cũng cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và thực hiện tốt các đề án.
Ngoài ra, ngành chăn nuôi cần giải quyết vấn đề về giống, chủ động về thức ăn chăn nuôi và cải thiện môi trường chăn nuôi; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường.
Thủ phủ chăn nuôi cả nước cầu cứu Chính phủ: Ưu đãi thuế nhập khẩu bị 'vô hiệu hóa'
Doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi tại Hà Nội: Tăng vốn 80 lần, doanh thu nghìn tỷ sau 7 năm