Nếu 800.000 tỷ đồng đổ ra thị trường trong 2 tháng cuối năm, thị trường sẽ ra sao?
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 31/10, tín dụng nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 14%.
Như vậy, tăng trưởng tín dụng trong 10 tháng đầu năm mới đi được 1/2 chặng đường cả năm. Trong 2 tháng cuối năm, ngành ngân hàng cần tăng trưởng tín dụng thêm gần 7% nữa mới đạt được mục tiêu. Theo ước tính, trong 2 tháng cuối năm, ngành ngân hàng cần bơm ròng gần 800.000 tỷ đồng tín dụng thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng 14%.
Giới chuyên gia nhận định, tín dụng thường bứt tốc trong những tháng cuối năm. Nhưng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay sẽ khó đạt được.
Các chuyên gia đánh giá tăng trưởng tín dụng sẽ chỉ đạt khoảng hơn 12% trong năm 2023 do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc, sản xuất gặp khó khăn.
Đồng thời, lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cho vay tiêu dùng bất động sản - cho vay mua nhà (mảng chiếm tỷ trọng 70% của ngân hàng) cũng giảm mạnh do thị trường gặp nhiều biến động khó khăn.
Sau nhiều lần nỗ lực giảm lãi suất, hiện lãi suất được cho không phải là vấn đề cốt yếu khiến tăng trưởng tín dụng thấp mà là do rủi ro từ môi trường kinh doanh và những yếu tố khác ảnh hưởng đến việc đưa ra các quyết sách đầu tư cũng như mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Công ty Chứng khoán BSC dự báo triển vọng nền kinh tế dần trở nên khả quan hơn về cuối năm và tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 đạt khoảng 12%.
BSC kỳ vọng tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế trong năm 2024 sẽ cải thiện lên khoảng 13-14% với kỳ vọng chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục được duy trì, quy mô giải ngân đầu tư công gia tăng nhờ chi phí vốn và áp lực đáo hạn nợ Chính phủ tương đối thấp và thị trường bất động sản dần ấm lên.
NHNN chính thức nới room cho các ngân hàng, giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14%