Sếp ngân hàng: Chúng tôi là đơn vị cho vay bất động sản nhiều nhưng giờ cũng sợ luôn!

13-11-2023 17:08|Linh Nhi

Doanh nghiệp than lãi suất cho vay cao, sếp tại loạt ngân hàng lớn đã lên tiếng.

Sáng 13/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Hội nghị do Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đồng chủ trì.

Kể từ Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản được NHNN tổ chức vào sáng ngày 8/2 đến nay, đây là lần thứ hai có một phiên họp được tổ chức tại trụ sở NHNN với đầy đủ các thành phần liên quan đến thị trường địa ốc. Đây cũng là dịp để các chủ đầu tư được lên tiếng về những khó khăn, qua đó kiến nghị các giải pháp.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ tại hội nghị, cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa cân đối, giá vẫn cao so với thu nhập. Vốn bất động sản đến từ kênh trái phiếu, tiền khách hàng, vốn tín dụng… Theo ông Tùng, thị trường trái phiếu có dấu hiệu phục hồi nhưng áp lực, nỗi lo của nhà đầu tư vẫn lớn.

Với nguồn tiền của khách hàng, ngân hàng này nhận thấy nhiều khách hàng có tâm lý chờ đợi giá xuống, chưa xuống tiền mua nhà. "Ngân hàng giảm lãi suất nhưng tiền gửi vẫn tăng rất mạnh", ông nói.

Đại diện ngân hàng Vietcombank cho biết, đã nhiều lần giảm lãi suất, lên tới 2,5% với tổ chức, cá nhân nhưng mặt bằng giá bất động sản cao, có xu hướng tăng, "Lãi suất vay chỉ là một phần", ông nói. Các giao dịch bất động sản chủ yếu là mua đi, bán lại của các môi giới, có thể gây bong bóng bất động sản. Ông Tùng thông tin bất động sản chiếm 24,6% tổng dư nợ tín dụng của Vietcombank.

Bên cạnh đó, đại diện phía ngân hàng MB, Tổng giám đốc Phạm Như Ánh chia sẻ: "lãi vay đã thấp nhất từ trước đến nay". Về ý kiến các thủ tục, thẩm định cho vay, ông Ánh nói đây là giai đoạn bắt buộc phải thẩm định kỹ bởi doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn. Ông nói doanh nghiệp cần phối hợp với ngân hàng để cung cấp đầy đủ hồ sơ, không được giấu diếm.

Sếp ngân hàng: Chúng tôi là đơn vị cho vay bất động sản nhiều nhưng giờ cũng sợ luôn!

Đại diện Techcombank là Phó tổng giám đốc Phùng Quang Hưng nói đã làm việc với doanh nghiệp bất động sản nhiều năm, hợp tác sâu, tham gia cùng khâu thẩm định dự án.

Về lãi suất, ông Hưng nói đã giảm nhiều. Lãi vay mua nhà đã giảm khoảng 3% từ đầu năm, có thể chỉ khoảng 7-8%, tùy sản phẩm. Đơn vị này cũng đã phát triển nhiều giải pháp tài chính đa dạng: cho vay vốn lưu động, tài trợ...

Bên cạnh đó, ông Hưng kiến nghị Bộ Tài chính thúc đẩy tính thanh khoản thị trường trái phiếu để hỗ trợ kênh dẫn vốn, không chỉ phụ thuộc tín dụng. Ông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cân nhắc giảm hệ số rủi ro cho ngân hàng và xem xét giãn tỷ lệ cho vay bất động sản trên tổng dư nợ để xếp hạng tín nhiệm.

Cuối cùng, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank chia sẻ tại hội nghị: "Không có ngành nào được Thủ tướng quan tâm như bất động sản". 70-80% khó khăn của thị trường này không nằm ở lãi suất ngân hàng mà là các quy định, chính sách của Nhà nước: pháp lý, quá trình thực thi. "Giải quyết vấn đề bất động sản chủ yếu phải ở cơ quan Nhà nước", ông Vinh nói.

Ông nói gói lãi suất 2% không chạy dù đã cố gắng. Ông Vinh đề xuất gói này hỗ trợ cho người mua nhà. Còn với doanh nghiệp bất động sản, ông nói "phải thay đổi, xem lại mình", đặc biệt ở việc minh bạch trong sử dụng vốn, không thể "ôm" tất cả dự án.

"Chúng tôi cũng là đơn vị cho vay bất động sản nhiều nhưng giờ cũng sợ luôn", ông Vinh nói.

NHNN công bố 5 giải pháp chính gỡ khó cho thị trường bất động sản

Ngân hàng Nhà nước ra chỉ đạo ‘nóng’ tới các ngân hàng

Từ 1/1/2025, tất cả ứng dụng ngân hàng không được có chức năng ghi nhớ mật khẩu truy cập

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sep-ngan-hang-chung-toi-la-don-vi-cho-vay-bat-dong-san-nhieu-nhung-gio-cung-so-luon-210598.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sếp ngân hàng: Chúng tôi là đơn vị cho vay bất động sản nhiều nhưng giờ cũng sợ luôn!
    POWERED BY ONECMS & INTECH