Nhà đầu tư nước ngoài đã chớp thời cơ để mua vào cổ phiếu Việt Nam trong bối cảnh bất ổn của thị trường vào tháng 11/2022.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán ACBS dự báo trong ngắn hạn xuất hiện những tín hiệu khả quan, thị trường đã xoay trục và tâm lý đang chuyển biến tích cực hơn.
Khi thị trường chạm mức thấp nhất vào ngày 16/11 là 873 điểm (tức giảm 15% so với cuối tháng 10), VN-Index đã có một bước đảo chiều ngoạn mục để kết thúc tháng với mức tăng 2%.
Đồng thời, thanh khoản tăng vọt trong nửa cuối tháng 11 và nhà đầu tư nước ngoài tích cực triển khai mua ròng với giá trị khoảng 650 triệu USD trong tháng 11 cũng là những thông tin tốt cho thị trường.
Về định giá thị trường, P/E đã tăng từ mức 9,5 lần (15/11) lên mức 11 lần, nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình lịch sử ( giảm 30% so với mức trung bình 3 năm và 29% so với mức trung bình 10 năm) và có thể đem lại các vị thế tích lũy cổ phiếu ở mức định giá hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn.
P/E hiện tại của VN-Index cũng thấp hơn mức trung bình 13,9 của các thị trường ASEAN cũng như thấp hơn các thị trường châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Xét về lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, VN-Index thuộc nhóm có ROE cao nhất so với các chỉ số khác trong danh sách theo dõi.
Theo đó, ACBS kỳ vọng tăng trưởng EPS năm 2022 của VN-Index là 19,6% và năm 2023 là 8,5%, P/E kỳ vọng năm 2022 là 10,2 và 9,4 cho năm 2023, thấp hơn mức trung bình của thị trường ASEAN và mang lại mức giá hấp dẫn cho nhà đầu tư có cơ hội tích lũy cổ phiếu ở mức định giá tương đối thấp.
Trong ngắn hạn, ACBS cho rằng ngành Bán lẻ, Thực phẩm & Đồ uống và Vận tải sẽ được hưởng lợi từ tăng trưởng doanh số bán lẻ nội địa khi mùa lễ hội cuối năm sắp đến.
Về triển vọng dài hạn, thị trường niêm yết của Việt Nam có vị thế tốt để tiếp tục phát triển song song với nền kinh tế nói chung. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao đến từ nền tảng kinh tế vĩ mô với triển vọng lạc quan trong dài hạn và sức khỏe tài chính của các công ty niêm yết.
Cụ thể, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và tăng trưởng thu nhập khả dụng sẽ hỗ trợ tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng trưởng, xu hướng chuyển dịch sản xuất trong dài hạn sang Việt Nam và sự hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước với nền kinh tế toàn cầu với 15 hiệp định thương mại song phương và đa phương tạo tiền đề cho Việt Nam sẽ tiếp tục thịnh vượng trong nhiều năm tới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cam kết phát triển thị trường vốn và việc MSCI nâng hạng Việt Nam thành thị trường mới nổi chỉ là vấn đề thời gian, điều này sẽ mở ra cánh cửa cho một lượng lớn vốn nước ngoài đổ vào thị trường.
Đặc biệt, các vấn đề vĩ mô toàn cầu đã gây thiệt hại cho thị trường trong phần lớn thời gian của năm 2022 đang có xu hướng lắng xuống. Tỷ lệ lạm phát cao đang bắt đầu có dấu hiệu ổn định, giá các mặt hàng chính đang giảm từ mức cao hồi đầu năm và có những kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong khoảng thời gian cuối 2022 và bước sang năm 2023.
ACBS đang theo dõi một cách thận trọng các số liệu về sản xuất công nghiệp và thương mại vì có một số dấu hiệu suy giảm khi nhiều nền kinh tế phát triển đang phải đối mặt với những lo ngại về suy thoái kinh tế ngày càng tăng, điều này có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 nếu các điều kiện xấu đi đáng kể.
Mới đây, trong thư gửi nhà đầu tư ngày 15/12/2022, PYN Elite nhận định, chỉ số VN-Index đã chạm đáy vào tháng 11/2022 ở mức 900 điểm. Thị trường có cơ hội để tăng trưởng khả quan năm 2023.
Cụ thể, PYN Elite cho biết cho biết “sự tự tin trên thị trường được cải thiện. Chúng tôi kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ chuyển động cùng nhịp với tăng trưởng kinh tế Việt Nam và mức tăng lợi nhuận kỳ vọng của doanh nghiệp trong năm 2021. Trong số các quốc gia ASEAN, Việt Nam có triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp mạnh mẽ nhất”.
Nhà đầu tư nước ngoài đã chớp thời cơ để mua vào cổ phiếu Việt Nam trong bối cảnh bất ổn của thị trường. Khối ngoại mua ròng 685 triệu USD trong tháng 11, con số đạt kỷ lục mới.
Quỹ ngoại này chia sẻ “Nhờ dòng tiền đầu tư mới và việc euro tăng giá, chúng tôi có cơ hội để mua cổ phiếu ở vùng đáy bằng lượng tiền mặt dự trữ. Chúng tôi đã xây dựng vị thế mới với nhóm ngân hàng, hiện chiếm 9% tỷ trọng danh mục đầu tư của PYN Elite.
Cú sốc đột ngột tại thị trường tài chính Việt Nam dẫn tới lãi suất gia tăng và điều này tạm thời khiến thị trường nhà ở và nhu cầu tiêu dùng chậm lại. Mặc dù vậy, PYN Elite đánh giá, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023, với dự báo mức tăng GDP 5,5%.
“Con số này thấp hơn so với mục tiêu 6,5% mà Chính phủ Việt Nam đặt ra, bởi chúng tôi đánh giá xuất khẩu sẽ yếu hơn”, PYN Elite cho biết.
VN-Index tiếp đà hồi phục, cổ phiếu ngành điện hút dòng tiền
Thị trường 9 triệu tài khoản, sao VN-Index quẩn quanh mốc 1.200 điểm?