Hoàng loạt doanh nghiệp tiếp tục bị Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ ra các sai phạm trong việc công bố thông tin giao dịch cổ phiếu, thông tin phát hành trái phiếu và báo cáo tài chính định kỳ.
Khoáng sản Á Cường bị phạt do công bố thông tin sai lệch
Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (HNX: ACM). Doanh nghiệp này bị phạt 70 triệu đồng do công ty công bố báo cáo tài chính quý IV/2018 (phát hành ngày 23/01/2019) có thông tin sai lệch so với báo cáo tài chính năm 2018 được kiểm toán (phát hành ngày 4/4/2019) về các chỉ tiêu dự phòng các khoản phải thu khó đòi, chi phí quản lý doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp).
Bên cạnh đó, công ty phải cải chính thông tin đối với nội dung công bố thông tin sai lệch.
Theo báo cáo tài chính năm 2018, khoản dự phóng các khoản phải thu khó đòi của doanh nghiệp này tại thời điểm 31/12/2018 là hơn 93,6 tỷ đồng, trong khi con số này ở báo cáo tài chính quý IV/2018 chỉ là 21 tỷ đồng ngang bằng so với cuối năm trước đó. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng lệch từ 2,3 tỷ đồng lên 78 tỷ đồng. Mức lỗ của năm 2018 cũng được lệch từ 4,3 tỷ đồng thành 83,8 tỷ đồng.
Quý III/2021, công ty không phát sinh doanh thu và lỗ 2,7 tỷ đồng nâng tổng lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 lên 10,3 tỷ đồng - tăng so với số lỗ 8 tỷ đồng ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2020.
Cổ đông có nguy cơ bị mắc kẹt khi cổ phiếu ACM (Khoáng sản Á Cường) bị hạn chế giao dịch trên HNX
Tổ chức liên quan Chủ tịch SRC bị xử phạt 110 triệu đồng
Ngày 30/11/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Tập đoàn Hoành Sơn.
Cụ thể, CTCP Tập đoàn Hoành Sơn - tổ chức có liên quan với ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) - đã mua gần 6.9 triệu cp SRC từ ngày 30/06-02/07/2020 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu.
Do đó, Tập đoàn Hoành Sơn bị xử phạt số tiền 110 triệu đồng.
Công bố thông tin không đúng hạn, Vật tư - TKV bị xử phạt 70 triệu đồng
Ngày 29/11/2021, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định xử phạt vị phạm hành chính đối với CTCP Vật tư - TKV (UpCOM: MTS).
Cụ thể, MTS công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban chứng khoán Nhà nước các tài liệu sau: Thông tin về việc nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 10 do Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Ninh cấp ngày 19/11/2019; Giải trình nguyên nhân lãi sau thuế tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 thay đổi từ 10% trở lên so với báo cáo cùng kỳ năm 2018.
Ngoài ra, MTS công bố không đúng hạn về việc thay đổi thời gian họp ĐHCĐ thường niên năm 2020, báo cáo tài chính các quý từ quý IV/2019 - quý I/2021, tài liệu ĐHCĐ họp thường niên năm 2020, biên bản và Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2020, từ nhiệm và bổ nhiệm ban lãnh đạo… Do đó, MTS bị xử phạt số tiền 70 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.
VsetGroup bị xử phạt do bán trái phiếu không đăng ký, buộc thu hồi và hoàn trả tiền
Ngày 30/11/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 814/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Tập đoàn VsetGroup (Địa chỉ trụ sở chính: 107 Cộng Hòa, Phường 12, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam).
Theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VsetGroup đã có hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Cụ thể, từ 01/01/2020 đến 27/10/2021, VsetGroup đã thực hiện chào bán trái phiếu của công ty ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Chứng khoán năm 2006, khoản 1 Điều 16 Luật Chứng khoán năm 2019.
Theo đó, công ty này bị phạt tiền 600 triệu đồng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đồng thời UBCKNN buộc công ty thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư đối với hành vi vi phạm. Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.