ACV sẽ quyết định liên danh trúng thầu gói 35.200 tỷ đồng dự án sân bay Long Thành trước ngày 22/8?
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu ACV phải giải quyết khiếu nại và gửi kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu 5.10 thuộc dự án sân bay Long Thành trước ngày 22/8.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giải quyết đơn kiến nghị của Liên danh Hoa Lư về gói thầu 5.10 dự án sân bay Long Thành có trị giá hơn 35.000 tỷ đồng, thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách của dự án thành phần thuộc dự án.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ACV với vai trò chủ đầu tư, người có thẩm quyền của gói thầu 5.10 giải quyết theo đúng thẩm quyền, trình tự quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật về khiếu nại, tố cáo đối với đơn kiến nghị, khiếu nại nêu trên của Liên danh Hoa Lư.
“Việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại phải bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, không để chậm tiến độ thực hiện gói thầu 5.10 và Dự án thành phần 3”, Phó Thủ tướng nêu.
Trong quá trình thực hiện, ACV phải tham khảo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để được hướng dẫn giải quyết; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 22/8.
Đồng thời, ACV phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu 5.10 trước ngày 22/8 (và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp).
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chức năng quản lý nhà nước về đấu thầu giám sát, hướng dẫn ACV trong việc tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu 5.10 và giải quyết Đơn kiến nghị của nhà thầu tham dự thầu.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn ACV thực hiện tốt việc đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu 5.10 cũng như các gói thầu khác thuộc Dự án thành phần 3 do ACV làm chủ đầu tư bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả và không để chậm tiến độ.
Trước đó, liên danh Hoa Lư gồm 8 doanh nghiệp: Coteccons (CTD), Unicons, Thành An, Xây dựng Delta, CTCP Xây dựng Central, Xây dựng An Phong, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC), Powerline Engineering Public Company Limited đã có đơn kiến nghị về các dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan tới thông báo Liên danh Vietur đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu này, đồng thời, yêu cầu dừng mở hồ sơ đề xuất tài chính.
Liên danh Vietur bao gồm 10 thành viên với Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS đứng đầu. 9 cộng sự là Ricons, Newtecons, SOL E&C, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (CC1), CTCP Kết cấu Thép ATAD, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG), CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC), CTCP Hawee Cơ điện, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HAN).
Bão Yagi đã tác động thế nào đến GDP của Việt Nam?
Tập đoàn Đèo Cả muốn tăng vốn một tuyến cao tốc hơn 73km, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói gì?