Tài chính Ngân hàng

Amadeo Giannini: Người thay đổi lịch sử ngân hàng thế giới

Dương Lam 23/09/2023 - 15:35

Amadeo Giannini, tỷ phú sáng lập Bank of America, dám nghĩ, dám làm, dám đi ngược xu thế của thời đại.

Amadeo Giannini: Người thay đổi lịch sử ngân hàng thế giới

Dám nghĩ, dám làm, dám đi ngược xu thế của thời đại, Amadeo đã tạo ra một bước ngoặt, thậm chí, có thể gọi là cuộc cách mạng trong ngành ngân hàng Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

Amadeo Giannini là người có công cách mạng hóa ngành ngân hàng. Ông là người đầu tiên mang các nhà băng đến với tầng lớp trung lưu và lao động. Ông cũng là người thành lập Bank of America, ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ. 70 năm sau khi ông qua đời, Bank of America vẫn đang giữ vai trò then chốt trong ngành ngân hàng tại Mỹ.

Định mệnh đã chọn Giannini

Sinh ra trong một gia đình nghèo người Ý nhập cư tới Mỹ, năm 14 tuổi, Giannini phải nghỉ học để làm việc cho cơ sở sản xuất của bố dượng. Nhưng đến tuổi 19, chàng trai trẻ hòa nhã này trở thành nhân tố quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp và nổi tiếng nhờ tính cách công bằng và liêm khiết.

Ông lập gia đình năm 1892 với con gái một người đồng hương và quản lý việc đầu tư bất động sản với bố vợ. Lúc đó, Giannini có thu nhập từ những vụ đầu tư khoảng 250 USD mỗi tháng, cộng thêm một nửa lợi nhuận từ công ty của bố vợ. Với ông, như thế là quá đủ, bởi ông không muốn giàu có và bị tiền bạc trói buộc. Bởi vậy, ông bán lợi tức của mình cho những nhân viên làm việc trong công ty của gia đình và nghỉ hưu ở tuổi 31.

Nhưng số phận không để cho Giannini bước chân ra khỏi thương trường. Sự nghiệp của ông tiếp tục sau đó 1 năm khi bố vợ qua đời. Sau khi suy nghĩ rất kĩ, Giannini đã quyết định ngồi vào chiếc ghế để trống trong Ban Quản trịColumbus Savings and Loan Society, một ngân hàng nhỏ ở San Francisco.

Tuy nhiên, ông lạc lõng với những người còn lại trong Ban Giám đốc. Như hầu hết các ngân hàng khác lúc đó, Columbus Savings and Loan Society chỉ nhằm mục đích hướng tới những người giàu có cũng như các doanh nghiệp lớn. Giannini đã thuyết phục Ban Giám đốc rằng nếu họ để ý đến giai cấp lao động, sẽ có thể tạo ra lợi nhuận khổng lồ. Nhưng ý kiến lẻ loi của ông không được chấp thuận và Giannini quyết định tự mình thực hiện điều đó.

Năm 1904, ông vay 150.000 USD từ 10 người bạn cộng với khoản tiền thừa kế từ bố dượng để mở ngân hàng nhỏ và lấy tên là “Bank of Italy” (Ngân hàng Ý). Đây là ngân hàng đầu tiên có dịch vụ cung cấp các khoản tiết kiệm và các tài khoản thương mại đồng thời cung cấp cả những khoản vay nhỏ. Ông cho phép những người nông dân và người lao động được vay tiền cũng như khuyến khích người nhập cư chuyển các khoản tiền tiết kiệm ít ỏi của họ vào ngân hàng. Bắt đầu từ con số 8.780 USD trong ngày đầu tiên, tiền gửi vào ngân hàng nhảy vọt lên đến 700.000 USD.

Với phương thức hoạt động mới này, Ngân hàng Ý của Giannini phát triển thịnh vượng và trở thành một hiện tượng trong lĩnh vực tài chính ở bang San Francisco. Tuy nhiên, để bước lên một tầm cao mới, để có được một bước đột phá về quy mô cũng như thương hiệu, Giannini vẫn phải cần thêm thời gian.

Thay đổi lịch sử ngành ngân hàng

Năm 1906, San Francisco gặp một trận động đất kinh hoàng kèm theo hỏa hoạn. Mọi thứ bị phá hủy, hầu hết các ngân hàng đều tuyên bố đóng cửa để đề phòng trộm cắp. Riêng Giannini đã kịp chất lên xe một khối lượng vàng, tiền xu cũng như các khoản bảo hiểm trị giá tới 80.000 USD ngay thời điểm ngọn lửa thiêu rụi tòa nhà là trụ sở của Ngân hàng Ý. Với số tiền ấy, Giannini tuyên bố sẽ đứng lên từ “đống tro tàn”. Ông khẳng định đây là thời điểm tốt nhất Ngân hàng Ý chớp cơ hội và thử nghiệm một hình thức hoạt động ngân hàng mới.

Giannini cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và các cá nhân cần tiền để tái thiết việc kinh doanh và cuộc sống của họ mà không cần thế chấp gì khác ngoài một chữ ký. Ngân hàng Ý sẵn sàng cho những người dân có ít tài sản vay tín chấp để có vốn tái xây dựng nhà cửa và làm ăn. Ngân hàng này cũng chấp nhận những khoản tiền gửi nhỏ chỉ 1 USD, thu hút rất nhiều người nhập cư nghèo đến gửi tiền. Hành động hào phóng đó đã biến ông trở thành một người anh hùng của thành phố.

Ông nhận thấy ngân hàng có sức mạnh lớn như thế nào khi có thể cải thiện cuộc sống của con người và coi đó là nhiệm vụ của đời mình. Giannini nghĩ ra ý tưởng xây dựng một hệ thống các ngân hàng chi nhánh ở các bang khác nhau ở Mỹ, có thể mang các nguồn tài chính tới những cộng đồng xa xôi. Thực tế sau đó, Gianini thành lập hơn 500 chi nhánh ngân hàng ở California.

Năm 1928, Giannini đã có cuộc gặp gỡ với Orra E. Monnette, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc Ngân hàng Mỹ, nhằm xúc tiến sự hợp tác về tài chính giữa hai ngân hàng. Sau cuộc gặp gỡ này, Ngân hàng Mỹ đã ra đời với chức Chủ tịch hội đồng quản trị thuộc về Giannini.

Ngân hàng của Gianini đã chi ngân sách để khuyến khích phát triển ngành phim hoạt hình và rượu ở California; năm 1937, ông cho Walt Disney vay để sản xuất phim Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Vào thời đại khủng hoảng, ông bán trái phiếu để hỗ trợ cho việc xây dựng cầu Golden Gate. Còn trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Gianini đã chi một khoản tiền lớn cho nhà công nghiệp Henry Kaiser và các doanh nghiệp của ông ta phục vụ cho chiến tranh. Năm 1945, Giannini đã cho tập đoàn Fiat vay nhằm tái thiết các nhà máy bị chiến tranh tàn phá.

Ngoài ra, Giannini còn tham gia sáng lập Tập đoàn Transamerica, hoạt động theo hình thức tổng công ty. Ban đầu, Transamerica là cổ đông kiểm soát Ngân hàng Mỹ. Việc này chấm dứt sau khi đạo luật Bank Holding Company được thông qua vào năm 1956.

Sau những thành tựu đã đạt được, Giannini nghỉ hưu lần thứ hai, nhưng ông vẫn không thể lui vào hậu trường khi Ngân hàng Mỹ gặp khó khăn trong thời gian đại khủng hoảng. Ông quay lại công việc khôi phục và đưa nó lên vị trí ngân hàng lớn nhất nước. Giannini giữ chức Chủ tịch hội đồng quản trị của Ngân hàng Mỹ đến khi qua đời vào năm 1949.

Đến thời điểm ông qua đời, Ngân hàng Mỹ có hơn 500 ngân hàng nhánh, với hơn 6 tỷ USD tiền gửi. 70 năm sau khi Giannini qua đời, Ngân hàng Mỹ vẫn đang giữ vai trò then chốt trong ngành ngân hàng tại Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

Lê Hàn Tuệ Lâm, nàng thơ giới đầu tư, nữ "cá mập" trẻ nhất làng Shark Tank Việt Nam

Lê Hàn Tuệ Lâm, nàng thơ giới đầu tư, nữ "cá mập" trẻ nhất làng Shark Tank Việt Nam

Sinh ra đã ngậm thìa vàng, một doanh nhân vượt giàu đi từ vị trí thấp lên TOP 6 phụ nữ giàu nhất thế giới

Kỳ lạ “Ngân hàng cho người nghèo” - đạt tỷ lệ thu hồi vốn đến 99%

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/amadeo-giannini-nguoi-thay-doi-lich-su-ngan-hang-the-gioi-202097.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Amadeo Giannini: Người thay đổi lịch sử ngân hàng thế giới
POWERED BY ONECMS & INTECH