Khoai lang được biết đến như một thực phẩm tốt cho sức khỏe, đặc biệt với người giảm cân.
Biên tập viên Jenny Sugar quyết định trải nghiệm ăn khoai lang hằng ngày trong một tháng. Dưới đây là chia sẻ của Jenny về những thay đổi của cơ thể mà cô cảm nhận được trên trang Pop Sugar của Mỹ:
Mọi người rất sợ carb! Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng Leslie Langevin, ăn các loại carb chưa qua chế biến cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể và có khả năng giúp giảm cân. Các thực phẩm lành mạnh như trái cây, yến mạch, gạo, đậu và khoai tây cung cấp cho cơ thể bạn năng lượng và chất xơ để tạo ra glucose sử dụng làm nhiên liệu.
Tôi cũng bị cuốn theo làn sóng low-carb để giảm cân nhưng chưa bao giờ cảm thấy hài lòng. Tôi mệt mỏi vào ban ngày, mệt mỏi nhanh chóng khi tập luyện, tiêu hóa kém, luôn thèm đường và cuối cùng ăn vô độ.
Tôi ăn chay từ năm 13 tuổi (tới nay đã được 31 năm) nhưng bắt đầu bổ sung trứng (từ gà thả vườn) khoảng 6 năm trước vì tôi nghĩ mình cần nhiều protein hơn. Nhưng tôi không thấy khỏe hơn và cũng không gầy hơn. Sáu tháng trước, sau khi đọc rất nhiều về lợi ích của ăn nhiều thực vật, ít chất béo, tôi quay lại chế độ thuần chay và tập trung vào thực phẩm nguyên chất.
Bởi vậy, tôi quyết định thực hiện thử nghiệm ăn các loại carb phức hợp mỗi ngày trong một tháng, đặc biệt là khoai lang vì đây là loại tinh bột yêu thích của tôi. Tôi đã ăn ba loại: cam, tím và món tôi mê nhất, khoai lang Nhật Bản có thịt màu vàng sau khi nấu chín.
1. Cung cấp năng lượng
Bất cứ khi nào ăn carb tinh chế như mì ống, bánh mì hoặc bánh kếp làm từ bột mì trắng, tôi đều cảm thấy bị tiêu hao năng lượng, chỉ muốn nằm nghỉ.
Khi ăn khoai lang, thường từ 12-13h, tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng, tỉnh táo và có hứng thú tập thể thao. Tôi thích kết hợp khoai lang với rau hấp. Rau có rất ít calo nên tôi có thể ăn thoải mái.
2. No lâu
Ăn một loại tinh bột như khoai lang mỗi ngày vào bữa trưa khiến tôi cảm thấy rất no và hài lòng. Cơn đói của tôi đã được thỏa mãn so với ăn các loại đậu.
Tôi cũng thấy rằng ăn khoai lang ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng của tôi. Tôi mong chờ bữa trưa ngon miệng, no nê mỗi ngày và cảm thấy tràn đầy sinh lực trong khoảng thời gian còn lại trong ngày.
Tôi thường thèm thứ gì đó ngọt vào giữa buổi chiều nhưng trong tháng ăn khoai lang, cảm giác đó giảm đi.
3. Tiêu hóa tốt
Là người ăn chay, tôi hấp thụ nhiều chất xơ đến mức có xu hướng bị đầy hơi, đặc biệt khi ăn nhiều đậu. Nhưng trong cuộc thử nghiệm kéo dài một tháng này, tôi phát hiện ra rằng khoai lang rất dễ tiêu hóa và không khiến tôi bị đầy hơi. Bụng tôi không có cảm giác nặng nề.
Với những lợi ích trên và cảm giác bản thân trông gầy hơn, đồng thời khoai lang rất ngon, tôi chắc chắn sẽ tiếp tục ăn loại thực phẩm này thường xuyên.
Lưu ý khi ăn khoai lang:
1. Ăn vào buổi tối
Ăn khoai lang buổi tối dễ trào ngược axit, đặc biệt là những người dạ dày yếu hoặc người già tiêu hóa kém, vì sẽ gây ra hiện tượng đầy bụng, cộng với việc ban đêm sự trao đổi chất thấp nên càng khó tiêu hóa dễ dẫn đến mất ngủ.
Nên ăn khoai vào bữa sáng kèm theo sữa nguyên kem hoặc sữa chua, thêm chút hạt và rau xanh sẽ là bữa sáng đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
2. Ăn khi đói
Trong khoai lang có chất đường, nếu ăn nhiều, nhất là khi đói sẽ gây tăng tiết dịch vị làm nóng ruột, ợ chua, sinh hơi trướng bụng. Để tránh tình trạng này, khoai phải được nấu, luộc, nướng thật chín hoặc cho thêm ít rượu vào nấu để phá hủy chất men. Nếu bị đầy bụng, có thể uống nước gừng để chữa. Không nên ăn khoai lang khi đói.
3. Ăn cả vỏ
Vỏ khoai lang có nhiều chất kiềm, ăn khoai lang rất tốt cho những ai bị táo bón, nhưng ăn cả vỏ khoai lại không tốt cho tiêu hóa. Những vết nâu, đốm đen trên vỏ khoai khi ăn vào có thể bị ngộ độc thực phẩm.
4. Không ăn khoai để quá lâu
Nhiều người khi mua khoai thường thích khoai lang để lâu ăn mới ngọt hơn khoai lang mới đào, vì khoai lang để lâu lượng nước sẽ giảm đi sau khi bốc hơi, làm lượng đường trong khoai lang tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, thì ăn nhiều đường vào cơ thể cũng là một điều không tốt nên bạn đừng cố tình để khoai lang dự trữ thật lâu rồi mới ăn. Hơn nữa, khoai lang để lâu tuy không có nguy hiểm như mầm khoai tây nhưng cũng được khuyến cáo là không nên ăn vì mầm khoai có chứa những độc tố, có thể gây nôn mửa và đau bụng…
5. Không ăn củ có đốm đen
Khoai lang bảo quản không tốt sẽ rất dễ bị hà, xuất hiện những đốm đen, nhiều người không vứt bỏ mà cắt bỏ phần hà, đốm đen đi để luộc lên rồi ăn tiếp. Tuy nhiên việc xuất hiện nhưngx vết này thì có nghĩa khoai đã bị nhiễm khuẩn vằn đen ô nhiễm gây độc cho gan. Loại độc tố này sẽ không hề bị tiêu diệt dù bạn có luộc khoai trong nước sôi sùng sục hay là nướng khoai với than hồng rực. Vì vậy, khi có những biểu hiện này, bạn hãy vứt bỏ đi, đừng tiếc mà gọt vỏ rồi ăn tiếp nhé!
6. Không ăn khoai thay cơm
Ăn khoai lang ở mức độ vừa phải sẽ rất có lợi cho hệ tiêu hoá của bạn. Nhưng nếu bạn ăn quá nhiều, ăn thay cơm mà không bổ sung được những dưỡng chất khác sẽ dẫn đến hậu quả ngược lại. Khi mà cơ thể không kịp tiêu hoá hết, những axit và protein trong khoai lang sẽ tích tụ lại trong dạ dày, dẫn đến tình trạng đầy bụng, khó tiêu, nấc, ợ nóng, thậm chí là bị tiêu chảy.
Nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe này là do phản ứng của axit tiêu hoá, thành dạ dày bắt đầu co lại, đồng thời điểm tiếp giáp giữa dạ dày và thực quản mở rộng làm cho thức ăn dồn lên phía trên gây ợ chua và nấc nghẹn.