Xã hội

‘Áo dài cần mặc đúng cách, không nên tầm thường hóa nó’

Tuấn Chiêu 06/12/2024 11:30

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng áo dài thể hiện trình độ, văn hóa, thẩm mỹ của người Việt Nam. Tuy nhiên, trang phục này cần mặc đúng cách, duyên dáng, không nên tầm thường hóa nó.

Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam TPHCM vừa tổ chức lễ kỷ niệm 1 năm thành lập với chủ đề Di sản áo dài và văn hóa truyền thống với thế hệ trẻ. Trong khuôn khổ sự kiện, tọa đàm Tôn vinh và bảo tồn di sản văn hóa trên nền tảng số thu hút nhiều khách mời.

batch_chan dung 1 161250058089351561497 72 0 1155 1732 crop 1612500679609998742036.jpg
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội chia sẻ ý nghĩa của áo dài trong cuộc sống hiện đại.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng áo dài thể hiện trình độ, văn hóa, thẩm mỹ của người Việt Nam. Tuy nhiên, việc diện trang phục này cần phù hợp nhu cầu thực tế, đời sống của mỗi người. Theo bà, không nên mặc áo dài cả tuần mà chỉ nên mặc một số dịp như chào cờ, lễ Tết, ngày 8/3, 20/10, 20/11…

“Áo dài cần mặc đúng cách, duyên dáng, không nên tầm thường hóa nó vì đây là di sản của dân tộc. Trang phục này có nhiều lợi thế: cơ động, tôn dáng phụ nữ, thuận tiện cho cuộc sống hiện đại, dễ sáng tạo nên phong cách và màu sắc khác nhau…”, bà nêu quan điểm.

batch_dfa7031d37d08d8ed4c1.jpg
Bà Lê Tú Cẩm mong muốn đưa áo dài trở lại với học đường ở các trường THPT, đại học.

Bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TPHCM cho rằng hoạt động chính của hội là phát huy giá trị di sản văn hóa. Bà và các thành viên hội mong muốn thông qua những hoạt động để góp phần đưa áo dài lan tỏa đến đời sống xã hội.

Trong đó, đối tượng hội hướng đến là học sinh trong nhà trường. Hình ảnh nữ sinh khoác lên mình chiếc áo dài thể hiện nét đẹp, sự mềm mại nhẹ nhàng và bớt đi những chuyện tiêu cực như nghịch phá, bạo hành. Trong năm 2025, hội triển khai dự án đưa áo dài trở lại với học đường, các trường THPT, đại học.

Bà Phùng Thị Thu Thủy - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam TPHCM phát biểu trong thời gian tới sẽ phát triển không gian văn hóa Việt tại một số trường quốc tế để quảng bá các văn hóa độc đáo; Tổ chức tọa đàm hàng quý về bảo tồn di sản; Thưởng thức biểu diễn thời trang áo dài, phát triển Vietnam Heritage Ao Dai Club để quảng bá các nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật Việt tới giới trẻ…

Không gian trưng bày áo dài - Ảnh 1Không gian trưng bày áo dài - Ảnh 2
Không gian trưng bày áo dài trong triển lãm.

Sự kiện cũng thu hút sự chú ý với đề tài "Số hóa áo dài". Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam - nói, chiến lược 5 năm tới của Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam là quyết tâm xây dựng nền tảng số để quảng bá di sản văn hóa, trong đó có quảng bá áo dài.

"Kênh truyền thông số này như tài nguyên di sản có thể khai thác hiệu quả trong quảng bá văn hóa. Nó cũng rút ngắn khoảng cách địa lý giúp người dân trong nước, du khách quốc tế hiểu thêm về văn hóa Việt Nam", bà nói thêm.

>> Phu nhân Ngô Phương Ly và các nữ Đại sứ ASEAN xem trình diễn áo dài, thưởng thức 'cơm mẹ nấu'

Hé lộ ý nghĩa chiếc áo dài vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng chọn mặc trong lần đầu xuất hiện trước công chúng tại lễ trao giải VinFuture

Chiếc áo đại diện cho phụ nữ quyền lực nhất thế giới

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/ao-dai-can-mac-dung-cach-khong-nen-tam-thuong-hoa-no-2349195.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ‘Áo dài cần mặc đúng cách, không nên tầm thường hóa nó’
    POWERED BY ONECMS & INTECH