Áp lực lạm phát đang lớn dần: Kiểm soát đà tăng giá hàng hoá dịch vụ thế nào?
Theo đánh giá của các chuyên gia, về mặt tổng thể lạm phát đã được kiểm soát trong mục tiêu của Chính phủ trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, áp lực lạm phát đang lớn dần, đòi hỏi các giải pháp kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ.
Tăng lương tạo ra áp lực lạm phát
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,17% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 6 tăng 1,40% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%.
CPI bình quân quý II tăng 4,39% so với quý II/2023. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.
Nhìn nhận kết quả này, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng về mặt tổng thể lạm phát đã được kiểm soát trong mục tiêu của Chính phủ trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, áp lực lạm phát đang lớn dần, đòi hỏi các giải pháp kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,17% so với tháng trước. |
Lý giải cho dự báo này, theo ông Việt, trong năm 2023, lạm phát kiểm soát được dưới mục tiêu phần lớn là do kinh tế thế giới suy thoái và kinh tế trong nước không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra.
Còn trong 6 tháng đầu năm, kinh tế trong nước đã có nhiều điểm sáng về sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu hút FDI, …tạo ra kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng GDP đạt, thậm chí vượt mục tiêu (6 – 6,5%) mà Quốc hội và Chính phủ đề ra. Điều này cũng tạo ra áp lực cho lạm phát trong năm 2024.
Đáng quan ngại, những áp lực và rủi ro bên ngoài như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt, xung đột quân sự Nga - Ukraine và tại dải Gaza kéo dài, bất ổn leo thang trên Biển Đỏ là những yếu tố tiềm ẩn rủi ro tạo nên cú sốc cho lạm phát của thế giới khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trong khi Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.
Bên cạnh đó, USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.
Đặc biệt, chủ trương tăng lương cơ bản và lương tối thiểu từ 1/7 cũng tạo ra cho áp lực lạm phát kỳ vọng trong xã hội. Bởi, không chỉ có mỗi khu vực công mà cả khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ có sự gia tăng về chi phí sản xuất do phải tăng một phần chi phí lương và bảo hiểm xã hội và các chi phí khác.
“Chúng ta phải cẩn trọng bởi các yếu tố đầu vào có thể tạo ra vòng xoáy nhất là khi những yếu tố bất định về giá tài sản trong giai đoạn đầu năm như giá vàng, USD hay giá bất động sản một số nơi tại khu vực đô thị lớn đang có xu hướng tăng, cũng tạo ra cho áp lực lạm phát kỳ vọng trong xã hội”, ông Việt nêu rõ.
>>Tăng trưởng tín dụng đạt 6%, hoàn thành mục tiêu Chính phủ đề ra
Tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ
PGS,TS. Vũ Duy Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính - đưa ra 2 dự báo về kinh tế Việt Nam. Ở kịch bản 1: CPI bình quân ở mức 3,95% (+0,25%) với giả định mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 6 - 6,5% và không có sự biến động bất thường về địa chính trị và giá dầu trên thế giới.
Ở kịch bản 2, CPI bình quân ở khoảng 3,95% (-0,25%) với giả định mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt 6% và không có sự biến động bất thường về địa chính trị và giá dầu trên thế giới.
Tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. |
Với 2 phương án nêu trên, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%. Tuy nhiên, không chủ quan, ông Vũ Duy Nguyên cho rằng cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng, Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất thấp và mở rộng tín dụng có kiểm soát.
Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ về giải ngân tín dụng đúng mục đích và hiệu quả khi sử dụng vốn vào sản xuất, tiêu dùng nhằm đảm bảo sản lượng tổng cung, hiệu quả kinh doanh và gia tăng tổng cầu qua tiêu dùng cá nhân.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Nguyên một điểm quan trọng khác là bình ổn thị trường vàng, thị trường ngoại hối và giá trị đồng tiền trong bối cảnh Chính phủ sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, đi ngược với xu hướng chính sách các nước trên thế giới.
Đồng thời, Việt Nam cần chuẩn bị trước kịch bản ứng phó hiệu quả trước khả năng ngân hàng trung ương các nước lớn có chính sách hạ lãi suất, thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý.