Thế giới

Apple 10 năm không thể nhưng hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc chỉ vài năm đã thành công

Đào Doãn 29/08/2024 13:32

Một số thương hiệu xe điện thành công của Trung Quốc được sáng lập bởi những người kỳ cựu trong ngành công nghệ chứ không phải sản xuất ô tô. Tuy nhiên, ở phương Tây, tình hình có vẻ không khả quan như vậy.

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc

Baidu - một trong những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã tham gia vào ngành công nghiệp ô tô trong những năm gần đây. Hãng đã giới thiệu tới công chúng mẫu xe điện JIDU Robocars 07 với nhiều tính năng hiện đại. Cụ thể, xe được điều khiển bằng giọng nói và hầu như không có nút bấm hay nút vặn nào.

Apple 10 năm không thể nhưng hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc chỉ vài năm đã thành công - ảnh 1
JIDU Robocars 07

Chưa hết, chiếc xe có thiết kế thể thao này có thể lái tự động và đi được 900km chỉ trong 1 lần sạc 12 phút. Khi được bán ra vào đầu tháng 9 tới, xe dự kiến sẽ có giá khoảng 220.000 nhân dân tệ (hơn 760 triệu đồng).

Không đứng ngoài cuộc đua, Huawei, thương hiệu di động nổi tiếng Trung Quốc, cũng đã bắt đầu ra mắt các dòng ô tô điện của mình. Tháng 3 năm nay, hãng đã ra mắt chiếc xe điện SU7 và bán được 27.000 chiếc trong quý II/2024 và đặt mục tiêu bán 120.000 chiếc vào cuối năm.

Hiện Xiaomi đang có 87 trung tâm kinh doanh xe điện ở 30 thành phố trên toàn Trung Quốc. Hãng cũng chỉ mất 3 năm nghiên cứu để cho ra đời mẫu xe đầu tiên.

“Nỗi thất vọng” từ phương Tây?

Ở phương Tây, tình hình có vẻ không khả quan như vậy. Amazon đã đầu tư mạnh tay vào hãng xe Rivian nhưng công ty này đã mất đến 90% giá trị kể từ khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2021. Hãng xe Waymo - được Alphabet (Google) đầu tư - cũng phải đối mặt với vấn đề về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm.

Thậm chí đến Apple cũng chẳng khả quan hơn. Hãng sản xuất iPhone đã chi 10 tỷ USD và gần 10 năm cho một dự án nghiên cứu xe điện mang tên "Titan" nhưng cuối cùng phải từ bỏ vì không thu lại kết quả đáng kể nào.

Apple 10 năm không thể nhưng hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc chỉ vài năm đã thành công - ảnh 2
Apple thất bại với dự án xe điện

Dyson, công ty gia dụng nổi tiếng của Anh cũng đã thử và thất bại trong việc phát triển xe điện.

Điểm mạnh của Trung Quốc

Xe điện của Trung Quốc được mô tả như "smartphone 4 bánh" khi nhiều công ty công nghệ chuyển qua làm xe điện, đồng thời những chiếc xe được tích hợp nhiều tính năng tiên tiến.

Trung bình người mua xe tại Trung Quốc trẻ hơn nhiều so với phương Tây, vì vậy họ càng ưa chuộng các phần mềm, hệ thống giải trí phong phú - điều mà các công ty công nghệ của nước này có thể đáp ứng.

Theo The Economist, hiện tại, một số thương hiệu xe điện thành công của Trung Quốc được sáng lập bởi những người kỳ cựu trong ngành công nghệ chứ không phải sản xuất ô tô thuần túy.

Ví dụ Li Auto, một trong những hãng xe điện lớn nhất của Trung Quốc, đã được thành lập vào năm 2015 bởi Li Xiang, một doanh nhân trong lĩnh vực Internet. Hay He Xiaopeng, người đồng sáng lập hãng xe điện Xpeng vào năm 2014 cũng bắt đầu từ phát triển phần mềm.

Bên cạnh đó, các công ty công nghệ Trung Quốc cũng tiếp cận thị trường bằng nhiều cách khác nhau để tăng tốc. Ví dụ Baidu làm trong mảng công cụ tìm kiếm trực tuyến nhưng lại hợp tác với JIDU thành lập thương hiệu xe điện Geely. Điều này giúp họ có thể tập trung vào các công nghệ như phần mềm nhận dạng giọng nói và công nghệ tự lái thay vì phải dành thời gian để học cách sản xuất ô tô.

Apple 10 năm không thể nhưng hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc chỉ vài năm đã thành công - ảnh 3
Xiaomi SU7

Một ví dụ khác là Huawei, hãng hợp tác với Seres phát triển dòng xe điện AITO, chuyên phụ trách mảng thiết kế phần mềm và marketing. Trong nửa đầu năm nay, hãng đã bán được đến 200.000 chiếc xe điện. Cửa hàng bán xe của Huawei tại Bắc Kinh thì trưng bày đa dạng mẫu xe như đang “trêu tức” cửa hàng của Apple ở đối diện.

Xiaomi cũng được Chính phủ Trung Quốc cấp phép sản xuất xe. Điều này có thể tạo nên bước ngoặt cho công ty, vốn khởi đầu vào năm 2011 với việc bán các mẫu smartphone đẹp giá rẻ rồi dần dần trở thành một trong những nhà sản xuất thiết bị hàng đầu của Trung Quốc.

Khó khăn

Tuy nhiên, mọi con đường đều gập ghềnh. Mặc dù xe tự lái đang trở nên phổ biến ở Trung Quốc nhưng các rào cản quy định có thể hạn chế cơ hội từ công nghệ này.

Quan trọng hơn, mỗi khi có cái tên mới tham gia vào thị trường xe điện Trung Quốc, cuộc chiến giá cả sẽ càng trở nên khốc liệt. Xiaomi có thể sẽ phải bán tới 300.000-400.000 USD/năm thì mới bắt đầu có lãi.

Có thể thấy, các công ty công nghệ Trung Quốc đã trở thành những đối thủ đáng gờm trên thế giới. Tuy nhiên, thu lời bao nhiêu lại là một câu chuyện khác.

Tham khảo The Economist

>> Khi nào Apple ra mắt iPhone 16?

Hãng xe điện hàng đầu Trung Quốc đối mặt ‘cơn bão thuế' tại EU, nguyên nhân do đâu?

Thêm một quốc gia nối bước Mỹ áp thuế 100% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/apple-10-nam-khong-the-nhung-hang-loat-cong-ty-cong-nghe-trung-quoc-chi-vai-nam-da-thanh-cong-126112.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Apple 10 năm không thể nhưng hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc chỉ vài năm đã thành công
    POWERED BY ONECMS & INTECH